Phật Giáo Hòa Hảo Trung Ương Hải Ngoại

Thiên II: Giai-đoạn hoạt-động tranh-đấu

Mục Lục ĐỨC HUỲNH GIÁO-CHỦ


Chương VII: Vận-động độc-lập [trở lại đầu trang]

Ngay khi Nhựt đảo chánh Pháp ngày 9-3-1045, chánh quyền Nhựt lên thay thế chánh quyền Pháp, các đảng phái quốc gia được tự do hoạt động. Đức Huỳnh Giáo Chủ, để ứng phó với tình thế mới, bèn đưa ra một tổ chức tranh đấu lấy tên là Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội.

ĐỘC LẬP VẬN ĐỘNG. – Đứng trước việc thay đổi đột ngột tình hình nước nhà, có hai việc khẩn cấp cần phải làm: một là ngăn chận mọi sự trả thù trong dân chúng; hai là phải tổ chức hàng ngũ đấu tranh.

1. Ngăn chận các cuộc trả thù. – Trong thời kỳ Pháp thuộc, bọn thực dân thi hành một chánh sách hết sức hà khắc đối với nhân dân, nhứt là những phần tử yêu nước. Phụ họa theo bọn tham tàn cướp nước, còn có một đám tay sai, đành cam tâm làm tôi tớ cho ngoại địch vì một chút lợi danh, đem thân làm những việc bỉ ổi, sâu dân mọt nước, giết hại đồng bào. Đó là những hạng cường hào ác bá trong hương thôn và đám chó săn chìm mồi ngoài thành thị.

Ỷ lại thế lực thực dân che chở, chúng đã gây nên bao nhiêu tội lỗi trong nhân dân, kết thành thù oán, nhỏ nhặt thì là thù oán cá nhân, lớn hơn thì là thù oán giữa tộc họ làng nước.

Một khi cơ cấu đàn áp bị phá vở, đương nhiên sức đối kháng sẽ chỗi dậy. Để thỏa mãn thù oán cá nhân, nhiều cuộc giết hại, thanh toán đã xảy ra.

Để ngăn chận mọi hành động trả thù riêng, như đốt phá nhà cửa, hoặc trộm cướp, sát nhân, làm rối trật tự, có hại cho sự kiến thiết “quốc gia”, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã tha thiết kêu gọi lòng “từ bi bác ái, dĩ đức háo sanh khoan hồng đại độ” đối với hạng người lầm đường lạc lối, gây nên lắm tội tình, và đồng thời khuyên tất cả đồng bào muốn tỏ ra xứng đáng là “Một người dân một nước tự do thì hãy quên hết những mối thù hềm ganh ghét, đừng bày ra cái họa nồi da xáo thịt khiến cho ngoại nhân khinh bỉ một dân tộc như dân tộc Việt Nam ta đã có nhiều tấm lòng nhân hậu và những trang lịch sử vẻ vang”.

Lời kêu gọi ấy đã cứu được bao nhiêu giọt máu đổ ra, chẳng những giữa đồng bào với đồng bào mà còn giữa đồng bào với ngoại chủng, chẳng phụ lời kêu gọi tha thiết đầy lòng đạo đức từ bi của Ngài: “Trước kia chúng nó hà khắc ta, chúng đã đành; ngày nay ta hà khắc lại, sao đành. Vì lòng chúng nó đầy sự hung tàn, còn lòng ta lại đầy nhân ái”.

2. Đoàn kết và tổ chức. – Hành động thứ hai của Ngài là đồng thời với sự ngăn chận mọi cuộc trả thù còn phải thực hiện cho được sự đoàn kết giữa các giới đồng bào để tranh đấu cho sự độc lập nước nhà.

Để thực hiện cuộc đoàn kết ấy, Ngài cho ra đời một tổ chức mệnh danh là Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội, kêu gọi các từng lớp nhân dân thuộc thành phần: trí thức Việt Nam, các bạn thanh niên, các nhà thương mãi, nông gia, thợ thuyền, các cụ đồ nho, các nhà sư hãy cùng nhau đoàn kết thành một lực lượng vận động cho cuộc độc lập quốc gia.

Trong bảng hiệu triệu, Ngài có viết:
“Gần ngót trăm năm nay đồng bào trải biết bao cay đắng, lớp kẻ thù giày đạp, lớp quan lại tham ô, vì thế nên người dân Việt Nam gánh vác biết bao nhiêu sưu thuế nặng nề. Kẻ thù đã lợi dụng chánh sách ngu dân để nhồi sọ quần chúng, gây mầm chia rẽ Bắc, Nam, Trung, phá rối sự đoàn kết, hầu mong cho cuộc đô hộ được vĩnh viễn trên giải non sông đất nước mà Tổ Tiên ta phải biết bao máu đào mới gầy dựng được.
“Vả lại từ trước cho đến nay các bực anh hùng, các nhà chiến sĩ khắp ba kỳ đã bao phen vùng vẫy chống lại quân thù mong gầy dựng lại nền Độc lập cho quê hương đất Việt”.
“Nhưng than ôi ! chỉ vì thiếu khí giới tối tân, chỉ vì sơ đường luyện tập mà giọt máu anh hùng đành hòa với bao nhiêu giọt lệ, khóc phút sa cơ, để lại cho người đồng thời và cho đoàn hậu thế muôn vàn tiếc thương ân hận”.

Rồi Ngài kêu gọi:

“Hỡi đồng bào Việt Nam!”

“Chúng ta đã bước và đang bước đến một khúc nghiêm trọng trên lịch sử. Giờ đây ta đã có thêm nhiều đặc quyền lo lắng đến cái giang san gấm vóc của Tổ Tiên ta di truyền lại.
“Vận động cuộc Độc Lập!
“Vận động cuộc Độc lập!
“Phải ! Toàn quốc phải liên hiệp vận động cho cuộc Độc lập. Đấy là cái chủ trương duy nhứt của Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội”.

Sau ngày đảo chánh 9-3-1945, mọi giới đồng bào, nhứt là các nhà trí thức đều tỏ vẻ lạc quan, tin chắc theo lời hứa hẹn của quân đội Nhựt, nước Việt Nam sẽ tuyên bố hoàn toàn độc lập.

Phương chi, sau ngày đảo chánh Pháp, Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố Việt Nam là một nước Độc lập, hủy bỏ tất cả hòa ước đã ký với Pháp, nhứt là có chánh phủ Trần Trọng Kim là một chánh phủ của một quốc gia độc lập thì còn gì phải vận động nữa, như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chủ trương.

Trong một cuộc lễ mừng ngày độc lập, tổ chức tại vườn Ông Thượng tức vườn Tao Đàn, nhiều chánh khách lấy làm lạ sao Đức Thầy còn đưa ra lời Hiệu triệu kêu gọi đồng bào các giới tham gia Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội để cùng nhau “vận động cuộc độc lập” cho quốc gia thì Ngài có cho biết rằng: Việt Nam chúng ta chưa độc lập đâu. Cần phải tích cực vận động mới mong thực hiện được.

Lời nói của Ngài quả thật không sai. Cuộc chiến tranh dai dẳng kéo dài một phần tư thế kỷ, gieo tang tóc cho đất nước, đau khổ cho đồng bào, đủ xác nhận lời nói của Đức Huỳnh Giáo Chủ là lời tiên tri, biết trước thời cuộc.

ĐI KINH LÝ. – Sau cuộc đảo chánh ngày 9-3-1945, tình hình trở nên bất ổn ở các tỉnh do sự thay đổi đột ngột chánh quyền từ tay người Pháp qua tay người Việt. Nhiều nơi dân chúng chống lại viên quan người Việt mới nhậm chức, vì lẽ quan ấy đã gây lắm tội tình trong thời kỳ Pháp thuộc. Có nơi, bộ máy an ninh sụp đổ vì các viên chức Pháp bị bắt cầm tù, nên xảy ra lắm trò cướp bóc, giết người vì thù oán cá nhân.

Nhà binh Nhựt bèn yêu cầu Đức Thầy về các tỉnh miền Tây để trấn an dân chúng cùng xếp đặt việc trị lý cho có qui mô, bởi chúng biết ảnh hưởng của Ngài ở Hậu Giang và chỉ có Ngài mới đủ uy tín dàn xếp.

Ngài nhận thấy cũng là cơ hội cho Ngài thăm anh em tín đồ nhứt là Thánh Địa Hòa Hảo, Đức Ông Đức Bà đã xa cách tính ra gần sáu năm, và cũng là dịp cho Ngài soát lại cơ cấu của nền Đạo hầu chấn chỉnh lại cho phù hạp lại với sự đổi mới của đất nước.

Ngài khởi hành hồi 2 giờ rưỡi chiều ngày mồng 9 tháng 2 năm Ất Dậu, nhằm ngày 22-3-1945. Sau đây là lộ trình của cuộc kinh lý:

Ngày 9-2 Ất Dậu rời Sàigòn, ghé Mỹ Tho, Cái Lậy, Vĩnh Long và đến Cần Thơ. Ngài ở đây ba hôm mới đi Long Xuyên.
Ngày 13-2 Ất Dậu (nhằm ngày 26-3-1945) đến Long Xuyên và nghỉ ở đây một đêm.
Sáng ngày 14-2 Ất Dậu (nhằm 27-3-1945) đi Châu Đốc và ở đây một đêm.
Sáng ngày 15-2 Ất Dậu (28-3-1945) về Hòa Hảo thăm thân sinh và ở đây một ngày.
Ngày 16-2 Ất Dậu (29-3-1945) đi Long Xuyên và ở đấy 2 ngày.
Sáng ngày 19-2 Ất Dậu (1-4-1945) đi về Sài Gòn có ghé Sa Đéc.

Sau cuộc kinh lý Hậu Giang của Đức Thầy người Nhựt thấy uy thế của Ngài rất lớn ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Ngài đi đến đâu đều được khối tín đồ hùng hậu nghinh tiếp nhiệt liệt, nên có ý lo sợ lực lượng quần chúng Phật Giáo Hòa Hảo có thể làm trở ngại chương trình Liên – Á của quân Phiệt Nhựt; vì vậy họ có ý muốn Đức Thầy đứng trên vị trí tôn giáo hoạt động hơn trên địa hạt chánh trị. Có lẽ vì thế mà chương trình của Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội không thực hiện.


Chương VIII: Tổ-chức hàng-ngũ [trở lại đầu trang]

Đức Thầy vẫn biết tham vọng của quân phiệt Nhựt muốn thực hiện cái ác mộng làm chủ Đông Á, như Ngài đã thấy thâm tâm của họ, khi chiếm Đông Dương hay Tân Gia Ba, thay vì tuyên bố cho các phần đất thuộc địa nầy được độc lập, giao trả quyền cai trị lại cho bổn xứ, họ lại thi hành chánh sách “dịch chủ tái nô”, nghĩa là họ thay thế địa vị của bọn thực dân cũ để xây dựng chế độ thực dân mới của họ.
Đức Thầy vẫn biết tham vọng ấy nên chi đã thổ lộ tâm tư trong hai câu đối:

Trương Tiên tá Hớn phi thần Hớn,
Quan Thánh cư Tào bất đê Tào.

Ngài sở dĩ đi với Nhựt là để khỏi bị Pháp mưu hại mà thôi. Ngài sống với Nhựt cũng như Quan Công xưa kia sống với Tào Tháo trong lúc thất thủ để chờ cơ hội thoát ly.

Phương chi Ngài biết trước thời cơ, thế nào quân Nhựt vận số cũng không chịu nổi cuộc phản công của Đồng Minh hết năm Dậu (1945) nên chi trong một bữa ăn đãi quan Nhựt, nhằm ngày 30 tức ngày chay lạt, mà Ngài cho làm gà. Có người tín đồ nhắc Ngài thì Ngài nói: người Nhựt ăn không hết nửa con gà.

Như vậy Ngài đã biết trước Nhựt không tồn tại hết nửa năm Dậu (1945). Ngài đã thấu rõ máy huyền cơ nên chi Ngài âm thầm lo liệu để kịp kỳ ứng phó với thời thế.
BAN TRỊ SỰ PHẬT-GIÁO-HÒA-HẢO. – Từ ngày Đức Thầy ra đời cho đến khi bị đưa đi lưu cư, không có khoảng thời gian nào rỗi rảnh để cho Ngài sắp xếp nền Đạo thành một tổ chức có qui mô, hệ thống. Mãi cho đến khi được đưa về Sài Gòn, nương náu trong vòng bảo vệ của Hiến Binh Nhựt, nghĩa là từ ngày dời về căn nhà ở đường Lefèvre, Ngài mới được rãnh trí để lo sắp xếp nội bộ: Tổ chức các Ban Trị Sự.
Mặc dầu gọi là Ban trị Sự và nền Đạo nên danh là Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng về tổ chức chưa dựa vào điều lệ hay nội qui nào. Ngài chọn lựa trong hàng tín đồ thuần thành những người có đạo hạnh và uy tín trong vùng rồi chỉ định hoặc làm Hội Trưởng Tỉnh bộ, Quận bộ hay Thôn bộ. Người được chọn sẽ tùy tiện giới thiệu thêm người khác. Thành thử trong Ban Trị Sự không có con số nhứt định.
Đó là tình trạng các Hội trưởng trong Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo hồi lúc Đức Thầy còn bị ràng buộc nương náo trong vòng bảo vệ của Hiến Binh Nhựt.
Do sự tổ chức rời rạc ấy mà trong lúc Đức Thầy đi kinh lý miền Tây, cuộc tiếp rước không được nhứt trí và xảy ra những điều phiền toái làm cho Ngài khó xử trí khi có nhiều tín đồ giành nhau đón Ngài về nhà mình.
Đến nay được công khai hoạt động, nhứt là để chấm dứt tình trạng tổ chức rời rạc, Ngài mới nghỉ đến sự chỉnh đốn lại các Ban Trị Sự và tổ chức thành hệ thống.
Mặc dầu không có điều lệ, Đức Thầy cũng đã có ý niệm về hình thức Ban Trị Sự gồm có 1 Hội Trưởng, 1 Phó Hội Trưởng, 1 Thơ ký, 1 Thủ bổn, 1 viên tổ chức, 1 viên liên lạc, 1 viên tuyên truyền, một số kiểm soát và cố vấn.
Sau khi chỉnh đốn xong cơ cấu các cấp Tỉnh, Ngài mới nghĩ đến việc sắp xếp cơ quan Trung Ương. Cứ như được biết vào khoảng tháng 5 năm 1945. Ban Trị Sự Trung Ương được thành hình trong đó Đức Thầy giữ chức Chánh Hội Trưởng, còn ông Lương Trọng Tường chức Chánh Thơ Ký (1). Ngoài ra còn được biết quí ông Trần Văn Tâm, La Văn Thuận và một số nữa không nhớ tên, lãnh các chức vụ khác trong Ban Trị Sự Trung Ương.

______________________________________________________________
(1). Cứ như được biết Đức Thầy có cấp cho ông Tường giấy chứng minh chức Chánh Thư Ký, nhưng vài hôm sau thì thâu hồi.

VIỆT NAM PHẬT GIÁO LIÊN HIỆP HỘI. – Thật ra thì khi Ngài về ở căn nhà đường Lefèvre, Ngài đã dự thảo chương trình thống hợp các tông phái Phật Giáo thành một lực lượng lấy tên là Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội.

Trong bài Hiệu Triệu của Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội, Ngài đã có lời kêu gọi thống nhứt giới tu hành theo Phật Đạo như sau:
Các bực Tăng Sư, Thiền Đức! Các Cụ có nhớ chăng? Trên lịch sử Việt Nam thời xưa, nhà Đại Đức “Khuông Việt” dầu khoác áo cà sa rời miền tục lụy, thế mà khi Quốc gia hữu sự cũng ra tay gánh vác non sông,

“Từ khi người Pháp qua chiếm đất ta, bề ngoài gọi rằng cho ta tự do tín ngưỡng; nhưng bên trong tìm đủ mọi cách âm thầm chia rẽ và phá hoại cho tín đồ nhà Phật không có sức đoàn kết chấn hưng hầu bài trừ cái lưu tệ dị đoan mê tín.

“Đã vậy lại không có cơ quan tuyên truyền thống nhứt, cũng chẳng có trường chung đào luyện Tăng Sư. Các cụ nên biết: hễ nước mất thì cơ sở của Đạo phải bị lấp vùi, nước còn nền Đạo được phát khai rực rỡ.”
Để cụ thể hóa sự đoàn kết, Ngài thành lập Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội với tôn chỉ liên hiệp các tông phái đạo Phật, các nhà Sư, các nhà trí thức có xu hướng về Phật Giáo, để:

1. Tìm cách nâng cao tinh thần đạo Phật.
2. Tìm những phương tiện cứu giúp kẻ nguy nàn vì thời cuộc hiện tại gây ra.
3. Giúp đỡ lẫn nhau trong việc quan, hôn, tang tế.
4. Binh vực lẫn nhau trong sự tín ngưỡng tự do.

Để đạt mục đích trên, Hội sẽ tổ chức ba đặc ban:

a) Ban nghiên cứu Đạo Phật gồm có những nhà Sư, những nhà thông thái để hằng ngày tra cứu kinh điển dịch sách hay viết sách nói về Đạo Phật.

b) Ban Huấn luyện và truyền bá gồm các nhà Sư, cư sĩ trí thức hoạt động được hội phái đi các nơi giảng giải Đạo Phật cho đại chúng, hoặc giả mở trường dạy Đạo Phật.

c) Ban chẩn tế gồm có các nhà hảo tâm thiện nam tín nữ hoạt động chuyên lo cứu giúp kẻ nghèo nàn đói khó, tật bịnh, hoặc giả thành lập các nhà dưỡng lão hay nuôi kẻ mồ côi người tàn tật.
Nếu có thể được, mua trữ thuốc men vải sồ, lúa gạo để dành cho cuộc phước thiện.
Vẫn tưởng Hội sẽ được các nhà Sư hưởng ứng, nhưng trái lại, vì tinh thần “riêng chùa riêng Phật” nên Hội đành chết non.

ĐI KHUYẾN NÔNG. – Bắt đầu từ năm 1944 trận thế chiến thứ hai trở nên ác liệt do Đồng Minh phản công thắng lợi ở mặt trận Thái Bình Dương. Việt Nam bị phong tỏa, hàng hóa không nhập cảng được trở nên khan hiếm đắt đỏ, trái lại lúa gạo vì không xuất cảng được nên mất giá rẻ mạt. Trong lúc đồng bào miền Bắc thiếu gạo ăn thì ở Sài Gòn người Pháp dùng lúa thế cho than chụm các nhà máy điện. Vì giá lúa quá rẻ, nông gia bắt đầu bỏ ruộng hoang, xoay qua làm nghề khác. Tình hình nông nghiệp lâm nguy.

Để cứu vãn tình thế, người Nhựt yêu cầu Đức Huỳnh Giáo Chủ đi khuyến nông, vì chúng biết Ngài có ảnh hưởng rất lớn vùng châu thổ sông Cửu Long là vùng đất phù sa màu mỡ, vựa lúa của miền Nam, trong lúc bình thường đã sản xuất chẳng những dư sức nuôi miền Trung miền Bắc mà còn thừa thải xuất cảng ra nước ngoài đem lại cho nước nhà một nguồn ngoại tệ rất lớn.

Thừa cơ hội nầy, Đức Thầy nhận lời đi khuyến nông trước là khuyến khích nông dân, sau là củng cố hàng ngũ. Hơn thế nữa riêng Ngài cũng cảm thấy có nhiệm vụ thiêng liêng đối với dân tộc, nên chi Ngài đứng ra cổ võ đồng bào miền Nam, ngoài việc tăng gia sản xuất còn chung sức, nào tiền nào gạo chở ra cứu giúp, và cũng là dịp cho Ngài thăm viếng khuyến miễn tín đồ bấy lâu xa cách.
Cuộc hành trình nầy được mệnh danh là cuộc Khuyến nông, kéo dài trong hai tháng, đi khắp các tỉnh miền Tây Nam Việt, diễn thuyết 107 nơi, số người đến nghe trùng trùng điệp điệp.
Bấy lâu có người mộ đạo đã tự qui y mặc dầu chưa hề gặp Ngài, cũng có người nghe danh cảm mộ mà không biết mặt, nay nghe tin Ngài về thì vô cùng hân hoan phấn khởi. Sự vui mừng của anh em tín đồ trong mong Ngài về không còn bút mực nào tả cho hết. Người ta dựng lên những cổng chào ở mỗi chặng đường và dài theo lộ đặt bàn hương án tỏ lòng kính mộ không khác quang cảnh khi rước sắc Thần trong làng. Trên đường Ngài đi qua, già trẻ nữ nam sắp hàng theo hai bên vệ đường làm thành hàng rào dài, đứng chực chờ cả ngày cả buổi, không quản nắng mưa miễn được chiêm ngưỡng dung nhan. Có điều làm cho mọi người cảm động là mỗi khi Ngài đi qua, nhiều cụ mừng đến rơi lệ dầm dề, nghẹn ngào chào mừng không nên tiếng.
Và một khi Ngài đi qua rồi thì anh em rùng rùng, hoặc đạp xe hoặc kéo bộ chạy theo tạo thành một quang cảnh tấp nập làm trở ngại cuộc lưu hành. Vì vậy mà Ngài ra lịnh, ai ở đâu thì tiếp rước ở đó, chớ không được qua vị trí khác. Mặc dầu có lịnh cấm, nhưng cũng có người khéo léo tìm cách đi trước, bằng đường thủy thay vì bằng đường bộ.
Vì số người đến đón quá đông nên cuộc tiếp rước phải tổ chức ở những nơi rộng rãi, thường là sân vận động, đình chùa hay rạp hát mới chứa hết.
Ở mỗi địa điểm tập hợp, người ta có dựng một diễn đài cao để cho mọi người ba bên bốn bề, dầu ở xa cũng trông thấy hình dáng, gương mặt hay bộ tịch của Ngài khi lên thuyết giảng.
Mặc dầu đông đảo không thể tưởng tượng, nhưng khi Ngài cất tiếng thì đâu đó đều lặng lẽ, cho nên dầu ở xa cũng nghe tỏ rõ. Ngài có một giọng nói thanh tao, trong trẻo, hấp dẫn lạ thường, vừa hùng hồn vừa truyền cảm. Ai nghe cũng xúc động, khi mủi lòng rơi lệ, lúc phấn khởi hân hoan.
Ngài nói thao thao bất tuyệt, ai ai cũng nhận Ngài có tài hùng biện, nói rất khỏe, nói không vấp, nói có mạch lạc, rất hấp dẫn. Có ngày, Ngài đăng đàn 5, 6 chỗ, nói ngót hai ba tiếng đồng hồ mà không thấy mệt, không tiếng khan. Mỗi ngày dời chỗ nhiều lần mà không nơi nào diễn giải giống nơi nào, dầu người với trình độ nào nghe cũng thích thú.
Vì Ngài ám thông tâm lý nên nói rất phù hạp mọi căn cơ, khi thì với giọng bình dị khi thì văn vẻ cao siêu. Do đó người nghe không thấy chán, mặc dầu đứng lâu 2, 3 tiếng đồng hồ, càng nghe càng thấy khoái cảm, say mê.
Với bất cứ đề tài nào, Ngài cũng nói trôi chảy, thông suốt từ cảnh đồng bào chết đói ngoài Bắc, hết sức thê thảm, qua những lời thiết tha kêu gọi nông dân nỗ lực cấy cày, đến những giáo lý cao siêu của nhà Phật, đề tài nào Ngài cũng diễn giảng thao thao bất tuyệt, nhả ngọc phun châu, càng lúc càng thu hút đông người đến nghe, đổ xô như nước lũ.
Trong thời gian “đi khuyến nông” có vài việc làm cho Ngài bực mình là anh em tín đồ tranh nhau rước Ngài về nhà riêng. Cho được công bằng, khỏi mất lòng người nầy, được lòng người khác, Ngài chỉ chấp nhận đến hội quán, bằng không thì đến ở nhà hàng.

Sau đây là lộ trình khuyến nông:
Khởi hành tại Sài Gòn ngày mồng 1 tháng 5 năm Ất Dậu, nhằm ngày 10-6-1945, đi thẳng xuống Cần Thơ rồi đến Cái Răng, Sóc Trăng, Bãi Xào.
Sau khi thuyết giảng tại Sóc Trăng và Bãi Xào, phái đoàn đến Bạc Liêu ngày mồng 6 tháng 5 năm Ất Dậu tức ngày 15-6-1945. Đến đây Ngài nghỉ ở nhà ông Võ Văn Giỏi.
Chiều ngày mồng 7 tháng 5 năm Ất Dậu, Ngài thuyết giảng tại đình Tân Hưng trong châu thành Bạc Liêu.
Ngày mồng 8 tháng 5 năm Ất Dậu, Ngài khuyến nông ở Vĩnh Châu và chiều lại thuyết giảng tại Sóc Đồn làng Hưng Hội.
Ngày sau tức ngày 9 tháng 5 năm Ất Dậu, Ngài đi thăm Linh Quang Tự của ông Chung Bá Khánh dựng trong đồn điền của ông ở làng Vĩnh Lợi và thuyết Pháp rồi nghỉ trưa ở đây. Chiều lại Ngài trở về nhà ông Võ Văn Giỏi ở Bạc Liêu. Trong thời gian ở Bạc Liêu, Ngài có đi Hòa Bình, Gia Rai và Cà Mau.
Ngày 12 tháng 5 năm Ất Dậu nhằm ngày 21-6-1945 phái đoàn từ giã Bạc Liêu đi Rạch Giá, trải qua Vị Thanh, Giồng Riềng, và đến Rạch Giá ngày 16 tháng 5 năm Ất Dậu, ở nhà ông Nguyễn Công Hầu.
Hôm sau, ngày 17 tháng 5 Ất Dậu, Ngài đi Cái Sắn, Tân Hội rồi trở về Rạch Giá, nghỉ hai ngày 19 và 20.
Ngày 21 tháng 5 năm Ất Dậu, Ngài đi Sóc Xoài và Ba Hòn bằng ghe máy.
Trong thời gian ở Rạch Giá, Ngài diễn giảng tại rạp Hòa Lạc và đến thăm đình thờ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực và quan Phó Cơ Điều tại làng Vĩnh Thanh Vân trong châu thành Rạch Giá.
Từ giã Rạch Giá, phái đoàn đi Hà Tiên nơi đây có sẵn xe của ông Phán Hồ Viết Long và thầy thuốc Đỗ Văn Viễn chực chờ rước về Châu Đốc. Khi xe về gần tới Châu Đốc thì được tin Hà Tiên bị Đồng Minh dội bom. Ngài vừa ghé nhà ông Phán Long thì chợ Châu Đốc có báo động. Ngày ấy Ngài dùng cơm nhà thầy thuốc Viễn và nghỉ đêm ở đó.
Sáng hôm sau, Ngài thuyết giảng tại sân vận động. Trưa lại Ngài đi Bình Di thuyết giảng tại làng Khánh Bình.
Hôm sau Ngài thuyết giảng ở Tịnh Biên rồi bận về có ghé Xà Tón, Thới Sơn, Nhà Bàn. Khi tới núi Sam Ngài có viếng mộ Phật Thầy và tỏ ra buồn bực.
Ngày hôm sau, Ngài đến thuyết giảng tại chợ Cái Dầu làng Bình Long.
Bữa sau Ngài qua Tân Châu, thuyết giảng tại sân vận động, dùng cơm trưa nhà ông Quan Hữu Kim, rồi đi Hồng Ngự, thuyết giảng tại nhà Hương Sư Sô, Hội Trưởng Ban Trị Sự Quận Hồng Ngự. Chiều lại Ngài về tới Hòa Hảo ngày 20 tháng 5 năm Ất Dậu, nhằm ngày 5-7-1945.
Trên đường về Hòa Hảo, Ngài cho ghe máy ghé thăm ông Năm Hiệu. Ngài lên tới nhà thì ông Năm Hiệu đã tắt thở trước đó 10 phút.
Ngài dặn trong gia đình ngày mai (17-5-Ất Dậu) khi Ngài thuyết giảng ở Chợ Vàm về sẽ an táng.
Đêm về Hòa Hảo anh em tín đồ tựu lại đông đảo xếp hàng từ trong nhà Đức Ông ra đến đại lộ, lên đến Chợ Cái Tắc (Mỹ Lương), Đức Thầy phải đi bộ cho anh em thấy mặt qua ánh sáng của chiếc đèn “măng-sông” do một người xách theo.
Sáng ngày 27 tháng 5 Ất Dậu, Ngài diễn đài Chợ Vàm làng Phú An, tổ chức tại sân vận động. Buổi trưa Ngài dùng cơm tại nhà Hương Hào Phỉ.
Trên đường về, Ngài có ghé đưa linh cữu ông Năm Hiệu ra phần mộ.
Chiều ngày hôm đó, Ngài thuyết giảng tại đình Hòa Hảo.
Trong mấy ngày ở Hòa Hảo, Ngài có làm lễ đem lư hương từ Tổ Đình xuống chùa An Hòa Tự, nhằm ngày 30 tháng 5 Ất Dậu (15-7-1945)
Sáng ngày mồng 1 tháng 6 năm Ất Dậu, Ngài qua Năng Gù nơi đây có xe Ban Trị sự tỉnh Long Xuyên đón Ngài rước về tỉnh lỵ Long Xuyên, tới đây độ 11 giờ và ở trọ nơi khách sạn của tỉnh thành.
Ngày mồng 2 tháng 6 năm Ất Dậu, Ngài đi Vĩnh Trạch và Núi Sập.
Ngày 3 tháng 6 năm Ất Dậu Ngài đi thuyết giảng ở Chợ Mới.
Ngày 4 tháng 6, Ngài đi Mỹ Luông.
Ngày 5 tháng 6, Ngài đi Đốc Vàng, chiều trở về Mỹ Hội Đông. Sáng hôm sau Ngài thuyết giảng tại sân vận động của làng này rồi về Long Xuyên và thuyết giảng tại công sở làng Mỹ Phước (Châu thành Long Xuyên).
Ngày hôm sau Ngài đi Cái Sắn.
Hôm sau, Ngài đi Thốt Nốt và chiều trở về nghỉ tại Long Xuyên. Đến 11 giờ đêm, Ngài đi luôn về Cần Thơ để hôm sau thuyết giảng tại sân vận động.
Bữa sau, Ngài đi Xà No thăm Hương Bộ Thạnh rồi thuyết giảng tại Cái Tắc. Bữa sau nữa, Ngài đi khuyến nông tại Phụng Hiệp và Cái Răng. Và mấy ngày sau đó, Ngài đi thuyết giảng ở Trà Mơn, Ô Môn, Cờ Đỏ.
Sau Cần Thơ, Ngài đi Sa Đéc, Cao Lãnh, Vĩnh Long, Tam Bình, An Trường, Trà Vinh, Càn Long đến Bến Tre rồi trở về Sài Gòn.
Mặc dầu, cuộc khuyến nông kéo dài trong 2 tháng nhưng không nơi nào Ngài ở lâu. Ngài chỉ đi thoáng qua cho anh em tín đồ được trông thấy dung nhan của Ngài cho thỏa lòng bấy lâu mong ước. Tuy Ngài đã đi rồi, nhưng anh em vẫn ghi đậm hình dáng của Ngài vào tâm não, nhứt là lời vàng ngọc của Ngài đã khuyến giáo. Anh em đa số đều thuộc nằm lòng những đoạn trong bài khuyến nông và nông nả thi hành theo lời của Ngài tha thiết kêu gọi:

Giờ đây xem lại mùa màng,
Năm rồi miền Bắc tan hoang còn gì.
Chỉ có xứ Nam kỳ béo bở,
Cơ hội nầy bỏ dở sao xong.
Cả kêu điền chủ, phu nông,
Đứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang.
Muốn cứu khỏi tai nàn của nước,
No dạ dày là chước đầu tiên;
Nam kỳ đâu phải sống riêng,
Mà còn cung cấp cho miền Bắc Trung.

Sau Hoặc là:


Kẻ phụ tá cũng trọng trách,
Cứu giống nòi quét sạch non sông;
Một phen vác cuốc ra đồng,
Thề rằng ruộng phải được trồng lúa khoai;
Mưa nắng ai đâu nài thân xác,
Chí hy sanh dầu thác cũng cam;
Miễn sao cho cánh đồng Nam,
Dồi dào lúa chín gặt đem về nhà.
Chừng ấy mới hát ca vui vẻ,
Ai còn khi là kẻ dân ngu;
Không đem được chút công phu,
Không đem sức lực đền bù nước non.
Gởi một tấm lòng son nhắn nhủ,
Khuyên đồng bào hãy rũ cho đông ;
Nắm tay trở lại cánh đồng,
Cần lao nhẫn nại Lạc Long cổ truyền.

Sau 2 tháng đi khuyến nông về, đã có nhiều tai biến xảy ra tại Sài Gòn, khiến Ngài vô cùng bi thảm viết ra bài thơ sau đây diễn tả cảnh Đồng Minh dội bom tàn phá Sài Gòn:

Lìa Sài Gòn trong vòng hai tháng,
Khi lộn về tiệm quán tanh banh;
Bởi chúng pháo lũy phi hành,
Quăng bom mù quáng tan tành còn chi.
Động lòng của kẻ từ bi,
Tây phương tâu lại A Di Phật Đà.
Rằng bên thế giới Ta bà,
Chúng sanh tàn sát cũng là vì tham.
Di Đà mở cuộc hội đàm,
Cùng chư Bồ Tát quyết đam pháp lành.
Tịnh bình rước khắp chúng sanh,
Làm cho giác ngộ hiền lành như Ta.
Công đồng hoạch định san hà,
Nước ai nấy ở nhà nhà tự do.

Điều được biết là sau khi khuyến nông về. Ngài không lại căn nhà ở đường Lefèvre nữa mà đi thẳng lên biệt thự số 38 đường Miche (nay là đường Phùng Khắc Khoan) là nơi anh em tín đồ đã xếp đặt sẵn trong lúc Ngài đi Hậu Giang.


Chương IX: Chuẩn bị Đấu tranh [trở lại đầu trang]

Trong thời gian Đức Thầy đi khuyến nông tình hình quốc tế chuyển biến rất gấp, Sài Gòn liên tiếp bị oanh tạc; Đồng minh phản công thắng lợi khắp các mặt trận. Tin tức hàng ngày không ngớt loan báo Quân Mỹ hết chiếm đảo nầy đến chiếm đảo khác. Lực lượng của Nhật Hoàng mỗi ngày mỗi rút lui về căn cứ cuối cùng là quần đảo Phù Tang.
Sau cuộc khuyến nông. Đức Thầy trở về Sài Gòn vào khoảng cuối tháng 7 dương lịch. Cảnh tượng cho thấy quân Nhựt không còn sức kháng cự lâu dài, có thể đi đến đầu hàng như Đức Quốc Xã ở Châu Âu. Ngay trong ngày 26 tháng 7 năm 1945, các đài phát thanh Đồng Minh nhứt loạt phổ biến lời kêu gọi Nhựt đầu hàng vô điều kiện, theo quyết định của Tam cường tại Hội nghị Postdam vừa họp ngày 17-7-1945.

Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nhìn thấy trước thời cuộc nên chi đã thổ lộ trong câu “Nhựt không ăn hết nửa con gà” cũng như Ngài tổ chức Hội Vận động Độc lập thì hẳn Ngài phải tiên liệu mọi việc để kịp đối phó với biến chuyển sắp xảy đến.
Do đó khi đi khuyến nông về, Ngài liền bắt tay vào việc tổ chức các cơ cấu có tánh cách võ trang quân sự.

ĐỘI BẢO AN. – Ngài đã thấy trước Nhựt sẽ đầu hàng. Trong tình trạng nầy hương thôn sẽ trải qua một giai đoạn hỗn độn, vô trật tự hay có thể nói vô chánh phủ. Trước kia, khi Nhựt đảo chánh Pháp, đã chuẩn bị sẵn một bộ máy cai trị để thay thế, nhờ vậy mà giữ được an ninh trật tự, bởi bộ máy hành chánh được duy trì và tiếp tục hoạt động.
Nay nếu như Nhựt đầu hàng, bộ máy cai trị của Nhựt sẽ sụp đổ, trong lúc không có bộ máy cai trị hữu hiệu khác thay thế thì sao khỏi gây nên tình trạng rối loạn, vì cơ quan an ninh đã trở thành bất lực hay vô hiệu. Trong khoảng lê minh đó, chi cho khỏi xảy ra cướp bóc, giết hại do đám người thừa nước đục thả câu, gây nên để thỏa mãn dục vọng và thù oán cá nhân.
Để kịp thời ứng phó với cuộc biến chuyển sắp tới, điều hay nhứt là Đức Thầy đưa ra một tổ chức ưu tiên điều động quần chúng thành những Đội Bảo An với mục đích:
1. Giữ việc trị an trong làng để phòng ngừa trộm cướp, giải tán những cuộc ẩu đả, bắt các đám cờ bạc, giữ gìn trật tự.
2. Bảo vệ mùa màng.
3. Tìm bắt kẻ gian.
Cứ mỗi làng, tùy theo dân số nhiều ít mà tổ thành những Đội Bảo An, gồm những thanh niên thanh nữ, do một Đoàn trưởng chỉ huy. Cứ mỗi Tiểu đội có 1 Tiểu đội trưởng, mỗi Trung đội có 1 Trung đội trưởng. Tất cả đều đặt dưới quyền điều khiển của một viên Đoàn Trưởng.
Trong xã ấp, những nơi có vườn xoài, vườn tre, những nơi có bóng mát đều có lập sân tập võ, do một võ sư đứng ra huấn luyện. Ngoài các Đội Bảo An nam còn có các Đội Bảo An nữ, ngày đêm tập luyện võ thuật côn quyền và đao kiếm. Trên đường đi, ngày đêm không dứt tiếng đếm bước: một hai, một hai…, nhứt là những đêm trăng thanh, cảnh tượng tập dượt thật là nhiệt náo. Nam theo nam, nữ theo nữ, xếp thành hàng ngũ chỉnh tề, áo khăn đồng phục. Tinh thần thượng võ lên cao không lúc nào bằng.
Cũng nhờ các Đội Bảo An nầy, khi Nhựt đầu hàng mà làng xã trật tự được duy trì, an ninh được đảm bảo, nhứt là trong thời kỳ lực lượng kháng chiến rút lui, cơ quan hành chánh hoàn toàn sụp đổ.
ĐỆ TỨ SƯ ĐOÀN. – Sau việc thành lập Đội Bảo An một lực lượng bán quân sự, đoàn ngũ hóa nhân dân thành một lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ hương thôn, Ngài còn thành lập lực lượng quân sự có nhiệm vụ to lớn hơn, là bảo vệ đất nước chống xâm lăng ngoại địch.
Sở dĩ Ngài gấp rút cho thành lập lực lượng quân sự là tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Nhiều tin tức bất lợi dồn dập đưa đến.
Ngày 6 tháng 8 năm 1945 cả thế giới đều chấn động về quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống nước Nhựt. Có thể nói đây là lần đầu tiên trên lịch sử nhân loại, một quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống thành phố Quảng Đảo của Nhựt. Cả thành phố kỹ nghệ này trong nháy mắt bị hủy diệt bình địa với mấy trăm ngàn dân bị giết.
Ngày 7 tháng 8 năm 1945, Thủ Tướng Trần Trọng Kim xin từ chức toàn bộ nội các và được vua Bảo Đại lưu lại xử lý thường vụ.
Ngày 8 tháng 8 năm 1945, Nga tuyên chiến với Nhựt và xua quân vào chiếm Mãn Châu. Cũng trong ngày nầy, một quả bom nguyên tử thứ hai của Mỹ thả xuống thành phố Trường Kỳ một thành phố kỹ nghệ của Nhựt bị hủy diệt ra tro bụi với mấy trăm ngàn dân chết chẳng toàn thây.
Hai ngày sau tức ngày 10 tháng 8 năm 1945, Nhựt Hoàng triệu tập nội các phiên họp bất thường và khẩn cấp để quyết định xin đầu hàng Đồng Minh qua trung gian của Tòa Đại Sứ Thụy Điển.
Đứng trước những biến cố dồn dập xảy ra, cho thấy có thể đưa đến nhiều bất trắc cho Việt Nam, các đoàn thể tôn giáo cũng như chánh trị ở Sài Gòn khẩn cấp lo phòng bị để kịp thời ứng phó với tình hình, nhứt là về phương diện võ bị.
Trước tình cảnh của một chiếc thuyền sắp đắm, mọi người trên thuyền chỉ còn một phương pháp là mạnh ai nấy lội, tự lo lấy cách thoát thân (Sauve qui peut).
Đó là tâm trạng các đoàn thể và chánh trị ở Sài Gòn đã đồng ý nhau, mỗi đoàn thể tổ chức lấy một Sư đoàn, tự triệu tập lấy binh sĩ và sĩ quan, tự võ trang cũng như tự lo liệu lấy quân nhu hay tiếp tế.
Vấn đề khó nhứt là sĩ quan hay cấp bực chỉ huy, không thể một sớm một chiều mà tạo nên được, nhưng trong mỗi đoàn thể, thế nào cũng có người từng đi lính cho Pháp hay cho Nhựt và được thăng lên cấp bực sĩ quan, vì vậy mà sự thành lập sư đoàn phải dành quyền cho mỗi đoàn thể chiêu tập. Phương chi, trong thời kỳ Nhựt chiếm đóng Đông Dương đã có nhiều đoàn thể tổ chức quân sự để hợp tác với Nhựt chống Pháp. Nay chỉ còn tập hợp và hoàn bị lại tổ chức thành Sư đoàn thì không phải là khó.
Kể ra có 4 Sư đoàn có thể triệu tập:
– Dân quân Cách mạng Đệ nhứt Sư Đoàn của Trần văn Giàu.
– Dân quân Cách mạng Đệ Nhị Sư Đoàn của Cao Đài.
– Dân quân Cách mạng Đệ Tam Sư Đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp.
– Dân quân Cách mạng Đệ Tứ Sư Đoàn của Phật Giáo Hòa Hảo.
Đệ nhứt Sư Đoàn tập hợp những phần tử Cộng sản hay thân Cộng đặt dưới quyền chỉ huy của Trần Văn Giàu, còn Kiều công Cung lãnh chức Phó.
Đệ nhị Sư Đoàn là của Cao Đài Giáo do Vũ Tam Anh chỉ huy.
Đệ tam Sư Đoàn, chính là Dân Quốc quân của Nguyễn Hòa Hiệp biến thành. Dân Quốc quân là một lực lượng quân sự tổ chức trong thời Nhựt Bổn, do Nguyễn Hòa Hiệp tập hợp các phần tử thân Nhựt hay hợp tác với Nhựt.
Còn Đệ tứ Sư Đoàn chỉ mới dự định tổ chức chớ chưa kịp tập hợp, vì Phật Giáo Hòa Hảo, trong thời kỳ Nhựt Bổn, không có tổ chức quân đội.
Thật ra, chẳng phải đợi nước đến trôn mới nhảy. Trong lúc đi khuyến nông, Đức Thầy đã lo liệu thành lập một lực lượng quân sự rồi để kịp đối phó với biến chuyển sắp tới. Ngài đã ra lịnh cho tuyển chọn 500 binh sĩ đưa lên Sài Gòn để huấn luyện hầu tổ chức lực lượng quân sự.
Ngài ra lịnh cho Ban Trị Sự tỉnh Gia Định mượn được Trường Vẽ để làm nơi tạm trú cho binh sĩ trong thời kỳ huấn luyện. Về phần huấn luyện thì Ngài giao cho Cai Tri (1) vốn là một Cai đội trong hàng ngũ lính tập, đứng ra tập dượt. Việc tiếp tế lương thực thì có các Ban Trị Sự các tỉnh miền Tây lo liệu.

________________________________________
(1). Nay là Thượng Tọa Thích Pháp Trí.
Cai Tri phân ra nhiều nhóm để huấn luyện. Lớp nào tập tại Trường Vẽ, lớp nào tập tại Ngã tư Bình Hòa, lớp nào tập tại Đất Thánh Tây. Ngày ngày trên những khúc đường nói trên, binh sĩ Hòa Hảo xếp thành hàng ngũ dượt tới dượt lui theo tiếng đếm bước: một hai, một hai…
Thật ra thì Đệ tứ Sư Đoàn còn trong vòng tập luyện chớ chưa tập hợp bởi chưa tổ chức ban chỉ huy. Đức Thầy có cắt đặt một vài người để giao thiệp và vận động võ khí, quân nhu với Nhựt. Nhưng công cuộc đang tiến hành thì xảy ra việc Trần văn Giàu khủng bố Phật Giáo Hòa Hảo nên Đệ Tứ Sư Đoàn đành chết trong trứng nước.
Về sau, Cộng sản đoạt lấy danh nghĩa Đệ Tứ Sư Đoàn, thì tình hình quốc tế càng trở nên cấp bách, tiến đến giai đoạn chấm dứt chiến tranh.
Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ chấp nhận cho Nhựt đầu hàng vô điều kiện. Mãi cho đến ngày ấy Nhựt mới chịu giao trả Nam Bộ cho chánh phủ Việt Nam. Bảo Đại hạ chiếu cử ông Nguyễn văn Sâm đang có mặt tại Huế, làm Khâm Sai Nam Bộ và ra lịnh cho ông cấp tốc về Sài Gòn nhận chức, thì liền hôm sau, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhựt Hoàng kêu gọi toàn dân Nhựt phải hạ súng.
Ngày 17 tháng 8 năm 1945. Bảo Đại kêu gọi các “nhà ái quốc hữu danh đã nỗ lực chiến đấu cho quyền lợi dân chúng và nền độc lập nước nhà” mau mau ra giúp nước hầu “củng cố nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc”.

MẶT TRẬN QUỐC GIA THỐNG NHỨT. – Đồng thời với tổ hợp quân sự, các đảng phái, tôn giáo còn tổ hợp nhau thành một lượng chánh trị, lấy tên là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt với mục đích:
– Chống đế quốc Pháp,
– Chống họa thực dân,
– Bảo vệ trị an,
– Bài trừ phản động.
Mặt trận thống hợp tất cả các đảng phái, tôn giáo trong nước như:
– Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng của quí ông Nguyễn Văn Sâm, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Bảo Toàn, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Ân…
– Thanh Niên Tiền Phong của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
– Nhóm trí thức.
– Liên đoàn Công chức,
– Tịnh độ cư sĩ của ông Lâm Văn Hậu.
– Cao Đài Giáo
– Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội (Phật Giáo Hòa Hảo)
– Nhóm Đệ Tứ Quốc Tế của quí ông Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch.. Nhóm này về sau mới gia nhập.
Mặt trận chánh thức thành lập vào ngày 14-8-1945 và thường hội họp ban đêm hoặc ở nhà ông Huỳnh Văn Phương ở Chợ Lớn, Trụ sở Tổng Công Đoàn ở đường Lagrandière (nay là đường Gia Long), hoặc Trường Vẽ Gia Định nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ tạm mượn nơi làm chỗ tập hợp chiến sĩ để thành lập Đệ Tứ Sư Đoàn, nhứt là Trụ sở Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng tại đường Léon Combes (nay là đường Sương Nguyệt Ánh).
Ngày 21-8-1945, Mặt Trận có tổ chức một cuộc biểu tình tại Sài Gòn.
MẶT TRẬN VIỆT MINH. – Tình hình trở nên khẩn cấp từ giờ từ phút. Người ta bắt đầu nghe đến danh từ Việt Minh.
Ngày 23-8-1945 có tin Việt Minh đã cướp chánh quyền ở Hà Nội và thành lập chánh phủ Trung Ương Lâm thời.
Qua ngày 24-8-1945 tại Huế cử hành lễ thối vị của Bảo Đại trao quyền lại cho đại diện chánh quyền Hà Nội gồm có quí ông: Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận.
Cũng trong ngày ấy, ông Nguyễn Văn Sâm, Khâm sai Nam Bộ cho dời thủ lãnh V.M. ở Sài Gòn đến nhường lại quyền hành.
Và ngày 25-8-1945 Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ do ông Trần Văn Giàu làm chủ tịch, long trọng làm lễ ra mắt trong một cuộc biểu tình khắp các đường phố. Đâu đâu người ta cũng nói đến Việt Minh và bàn tán về V.M. cướp chánh quyền. Vậy Việt Minh là gì? Ý nghĩa nó ra sao?
Danh từ Việt Minh là do Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, gọi tắt là: Việt Minh là một mặt trận, cứ theo tôn chỉ trong bản Điều lệ:
“Liên hợp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước đặng cùng nhau đánh đuổi mối dã man xâm lược, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”.
Về điều kiện gia nhập thì “Việt Nam Độc Lập Đồng Minh” kết nạp từng đoàn thể. Không cứ đảng phái nào của người Việt Nam hay các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam hay các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp tôn giáo và xu hướng chánh trị, hễ thừa nhận mục đích, tôn chỉ và chương trình của V.M. và được Tổng bộ V.M. thông qua thì được gia nhập V.M.
Cứ xem qua tôn chỉ thì V.M. là một mặt trận gồm đủ các thành phần V.M. là một mặt trận gồm đủ các thành phần trong xã hội, thế tất chánh phủ do V.M. tổ chức phải là một chánh phủ liên hiệp và điều hành theo nguyên tắc dân chủ.
Nhưng sự thật thì không thế. Về hình thức thì có vẻ liên hiệp. Song về điều hành thì hoàn toàn thuộc về Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế độc tài lãnh đạo.
Đây xem thành phần của Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ, gồm có 9 Ủy viên mà hết 4 Ủy viên là Cộng sản như :
– Trần văn Giàu, Chủ tịch kiêm Ủy trưởng Quân sự.
– Nguyễn văn Tạo, Ủy trưởng Nội vụ kiêm Tổng Thư ký,
– Dương Bạch Mai, Thanh Tra chánh trị miền Đông kiêm Tổng Giám đốc Công an.
– Nguyễn Thành Tây, Thanh Tra chánh trị miền Tây. Còn lại 5 Ủy viên:
– Ủy trưởng ngoại giao: Phạm Ngọc Thạch, chỉ huy Thanh niên Tiền Phong đã tuyên bố chiều ngày 22-8-1945 ly khai Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt và gia nhập, theo Mặt Trận Việt Minh.
– Ủy trưởng Tuyên Truyền: Huỳnh Văn Tiểng thuộc Đảng Tân Dân Chủ, thân Cộng.
– Ủy trưởng Tài chánh: Từ Bá Đước thuộc Dân Chủ Đảng.
– Ủy trưởng Canh Nông: Ngô Tấn Nhơn thuộc Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng ly khai.
– Ủy trưởng Lao Động: Hoàng Đôn Văn thuộc Tổng Công Đoàn thiên tả.
Tất cả quyền hành đều tập trung vào tay Trần văn Giàu, nghĩa là Độc tài Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế, chớ không phải là một Chánh phủ liên hiệp đúng theo tôn chỉ của Mặt Trận Việt Minh. Vì vậy khi thấy danh sách niêm yết, Đức Huỳnh Giáo Chủ hạ lời phê bình: “Đó là một hành động độc tài, trái với chánh thể dân chủ Cộng Hòa”.
Sau ngày Lâm Ủy hành chánh Nam Bộ thành lập, tình hình trở nên nghiêm trọng đòi hỏi một sự đoàn kết toàn dân mới mong cứu vãn. Thế mà Lâm Ủy tỏ ra bất lực, hơn nữa dở ngón độc tài đối với các đảng phái trong nước, càng làm cho thế nước lâm nguy, sự đoàn kết rời rã.
Nhứt là sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, toàn quốc tổ chức cuộc biểu tình khổng lồ mừng ngày nước nhà độc lập, cuộc xô xát xảy ra giữa khối quần chúng biểu tình với đám thực dân Pháp đang nuôi mộng trở lại đô hộ Đông Dương mà Lâm Ủy lại tỏ ra thái độ khiếp nhược càng làm cho các đảng phái phẫn uất cực độ.
Trong lúc đó, những tin bất lợi cho nền độc lập quốc gia dồn dập đưa đến. Nào là chi đội thứ 11 của Pháp (llè RIC) trước kia bị Nhựt tước khí giới, nay được Đồng Minh võ trang trở lại và quân đội Pháp đã xuống chiến hạm Richelieu và Triomphal sắp đổ bộ lên Vũng Tàu.
Trước kia các đảng phái quốc gia lầm tưởng V.M. là bạn tranh đấu bên cạnh Đồng Minh sẽ được Đồng Minh ủng hộ, bắt Pháp phải trả chủ quyền Việt Nam lại cho Việt Minh; nhưng đến chừng đọc truyền đơn của Trần văn Giàu cho rải và dán khắp nơi mới ngã ngửa. Trong truyền đơn ấy, Trần văn Giàu tuyên bố:
– Đối với Nga là bạn,
– Đối với Tàu như răng với môi,
– Đối với Mỹ chủ trương thương mãi nên không có mộng xâm lăng.
– Đối với Anh nội các Attlee (thủ lãnh Đảng Lao Động) mới lên nắm chánh quyền khuynh tả.
– Vì vậy bề ăn nói của chúng ta rất dễ dàng.
Nghe Trần văn Giàu tuyên bố như thế, các đoàn thể đều ngao ngán, mới vở mộng, té ra Lâm Ủy Hành Chánh do Trần văn Giàu thành lập không phải là chánh phủ V.M. bạn của Đồng Minh.
Các đảng phái trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt cảm thấy có phận sự bắt Lâm Ủy Hành Chánh phải cải tổ thành một chánh phủ V.M. nghĩa là một chánh phủ Liên Hiệp gồm đủ các phần tử quốc gia yêu nước hầu có đủ lực lượng đối phó với thời cuộc.
Sau phiên họp tại nhà ông Huỳnh Văn Phương ở Chợ Lớn, Ông Dương văn Giáo được hội nghị phái đến gặp Trần văn Giàu để đưa nguyện vọng cải tổ Lâm Ủy Hành Chánh. Giàu chỉ hứa suông chớ không đáp ứng theo sự đòi hỏi của Mặt Trận.
Ngày 4 tháng 9 năm 1945, Mặt Trận lại họp tại Trường Vẽ Gia Định do Đức Huỳnh Giáo Chủ chủ tọa, còn ông Đặng văn Ký làm Thơ ký, có hai ông Cao Hồng Lãnh và Hoàng Quốc Việt đại diện Tổng bộ Việt Minh ngoài Bắc vừa phái vào tham dự. Ông Hoàng Quốc Việt chấp nhận đề nghị cải tổ Lâm Ủy và yêu cầu Mặt Trận chọn người. Phiên họp đã khuya nên hẹn tái họp ngày 7 tháng 9 năm 1945 tại trụ sở Tổng Công Đoàn đường Lagrandière (nay là đường Gia Long).
Trong phiên họp đêm 7 tháng 9 năm 1945, ông Hoàng Quốc Việt có trình bày sứ mạng của các đại biểu được cử vào Nam là để cùng các đồng chí Nam Bộ thỏa thuận tu chỉnh lại Kỳ Bộ Việt Minh. Ý kiến nầy khơi màu cho một cuộc tranh luận sôi nổi chung quanh vấn đề “V.M.giả” với “V.M. thiệt”.
Nên biết, ngay khi V.M. nắm chính quyền ở ngoài Bắc, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã phái ông Nguyễn Xuân Thiếp ra Bắc tiếp xúc với Tổng Bộ Việt Minh và lãnh chỉ thị về Nam.
Ngài đã nắm chắc tài liệu về tổ chức V.M. nên mới hỏi hai đại biểu Tổng Bộ V.M. rằng:”Đại biểu chánh thức của Việt Minh Nam bộ là ai?”.
Ông Hoàng Quốc Việt bèn nói rõ: “Chính ông Huỳnh Phú Sổ”.
Ngoài nhãn hiệu “V.M.giả”, Trần Văn Giàu còn mang thêm hồ sơ “đi đêm với Pháp” nên không được Đông Dương Cộng Sản Đảng tín nhiệm. Hồ sơ nầy do ông Huỳnh Văn Phương tiết lộ.
Bị lật tẩy, Trần Văn Giàu vô cùng phẫn uất; thốt ra giọng hằn hộc đối với Đức Huỳnh Giáo Chủ, nhưng đại biểu các đảng phái khéo giàn xếp nên rốt cuộc Lâm Ủy Hành Chánh được cải tổ, đổi lại thành Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ do Phạm Văn Bạch làm chủ tịch còn Trần văn Giàu làm Phó kiêm Ủy Viên quân sự.
Hội nghị kéo dài trong bầu không khí nặng nề, đến 21 giờ thì Lý Huê Vinh, cánh tay mặt của Giàu bước vào đưa cho Giàu một điện tín cho hay Hòa Hảo nổi lên đảo chánh và đã chiếm cứ Cần Thơ (2).

____________________________________
(2). Đây là 1 bức điện tín giả tạo, vì thật ra ngày hôm sau tức 8-9-1945 mới có cuộc biểu tình ở Cần Thơ.
Ông Giàu hỏi gay gắt Đức Huỳnh Giáo Chủ: Ông chưởng giáo nghĩ sao?
Đức Huỳnh Giáo Chủ đáp: Tôi tin chắc cuộc đảo chánh ấy không có, hay là một cuộc ngộ nhận. Nếu có, sự hội họp các tín đồ Hòa Hảo ở Cần thơ thì đó là một sự huy động về tôn giáo mà thôi. Là người lãnh đạo Hòa Hảo, tôi nhận chịu trách nhiệm đối với chánh phủ. Tôi sẽ gởi đại diện về Cần Thơ nội trong đêm nay để biết rõ tình hình rồi sẽ phúc trình tường tận.
Ông Cao Hồng Lãnh cũng yêu cầu Ngài can thiệp gấp. Phe ông Giàu muốn quản thúc Đức Thầy nhưng các đại biểu can thiệp nên không có việc gì đáng tiếc xảy ra. Đức Thầy được thong thả ra xe về.

CUỘC BIỂU TÌNH Ở CẦN THƠ. – Sự thật thì không có cuộc đảo chánh ở Cần Thơ như bọn Trần Văn Giàu vu khống mà là một cuộc biểu tình của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tổ chức tại Cần Thơ ngày 8-9-1945 đề phản đối chế độ độc tài. Trên lịch sử chống độc tài, có thể nói: tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là chiến sĩ tiên phong trên đất nước Việt Nam.
Đây là một cuộc biểu tình lớn nhứt xảy ra ở miền Tây với những khẩu hiệu phản ảnh trung thực nguyện vọng của nhân dân khát khao dân chủ, đòi quyền được tự vệ chống xâm lăng đang lấp ló trước ngưỡng cửa Việt Nam:
– Võ trang quần chúng.
– Tẩy uế những phần tử thúi nát trong Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ.
– Ủng hộ chánh phủ Việt Minh.
Cho được hợp pháp, Ban tổ chức có xin phép với Ủy Ban Hành Chánh tỉnh Cần Thơ và được chấp thuận nhưng đến giờ chót bọn độc tài đổi thái độ (1).

_________
(1). Đây là âm mưu có tính toán để gài bẫy tín đồ P.G.H.H.
Chúng ra lịnh giải tán và trong lúc những người biểu tình lần lượt ra về, chúng cho nổ súng vào đám quần chúng không võ trang.
Một số tín đồ bị giết, còn lại bao nhiêu chúng bắt giam, trong số đó được biết quí ông: Huỳnh Thạnh Mậu, bào đệ của Đức Thầy, ông Nguyễn Xuân Thiếp tức thi sĩ Việt Châu, người đã được Đức Thầy phái ra Bắc liên lạc với Tổng Bộ Việt Minh, ông Trần Ngọc Hoành, trưởng nam của ông Trần văn Soái tức Năm Lửa, ông Lâm Thành Nguyên, ông Chung Bá Khánh, Ông Đỗ Hữu Thiều, nhiều nhân viên trọng yếu trong Ban Trị Sự các tỉnh.
Ngày mồng 2 tháng 9 năm Ất Dậu (7-10-1945) chúng ra lịnh hành quyết ba ông: Mậu, Thiếp và Hoành tại sân vận động Cần Thơ. Còn các ông Chung Bá Khánh, Đỗ Hữu Thiều, Võ văn Thới, Nguyễn Hữu Giáp, Lâm Thành Nguyên… thì chúng cho dời đi Vàm Láng Thé (Trà Vinh) và hành quyết ngày 24-9 Ất Dậu. Chỉ trừ ông Lâm Thành Nguyên nhờ giả điên nên được chúng tha khỏi chết.

TAI NẠN. – Sau đêm 7-9-1945, mặc dầu chúng để cho Đức Thầy được tự do ra về, vì sự can thiệp của đại diện các đảng phái, nhứt là có sự hiện diện của quí ông Cao Hồng Lãnh và Hoàng Quốc Việt đại biểu Tổng Bộ Việt Minh được phái vào, nên bọn Trần Văn Giàu chưa dám làm hỗn, nhưng trong thâm tâm vẫn ôm mối hận thù về việc bị lộ tông tích đi đêm với Pháp. Vì vậy Trần Văn Giàu tìm cách hại Đức Thầy cũng như bao nhiêu phần tử quốc gia khác bằng thủ đoạn hết sức đê tiện là vu khống và vu khống.
Đây là ngón gian manh nhứt của bọn độc tài. Sáng ngày 8-9-1945, một thông cáo được đưa ra trên mặt báo chí:
“Chánh phủ lâm thời Nam bộ đang dự bị lập Ủy ban điều tra mỗi tỉnh, mục đích là để xem xét và tố cáo bọn phản quốc; bọn nầy sẽ bị Tòa Án Nhân Dân trừng trị, tài sản của họ sẽ bị tịch thâu, ruộng đất của họ sẽ bị lấy lại chia cho dân nghèo”.
Với bản thông cáo nầy, mặc tình bọn độc tài Trần văn Giàu tác oai tác quái. Hàng vạn đồng bào bị giết cũng vì bản án Việt gian khủng khiếp, làm đẫm máu một đoạn sử Việt Nam. Cái thủ đoạn vu khống đê hèn nầy, trước hết chúng đem áp dụng với đối với Đức Thầy và tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.
Đêm mồng 4 tháng 8 năm Ất Dậu (9-9-1945) Trần văn Giàu ra lịnh cho thuộc hạ bao vây văn phòng Đức Thầy tại số 8 góc đường Sohier-Miche (nay là góc đường Tự Đức – Phùng Khắc Khoan) nơi Đức Thầy dùng làm trụ sở cho Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội.
Trước khi bao vây, Trần Văn Giàu dùng quỉ kế bằng điện thoại kêu ngay Ngài nói chuyện để biết chắc chắn Ngài có tại văn phòng, thế mà khi chúng đến bao vây và lục soát thì không tìm ra Ngài. Chúng bắt một số tín đồ đưa lên xe chở đi. Trong số anh em bị bắt kể lại, lúc ấy anh em cố tìm xem coi Đức Thầy có bị bắt hay không, đến chừng không thấy, anh em mới vững dạ để cho chúng đem về giam ở khám công an rồi vài ngày sau đưa vào nhà lao.
Khi bọn chúng đi rồi, trong văn phòng còn lại một số anh em tín đồ ngơ ngác thì Ngài từ trên lầu bước xuống. Anh em bu lại hỏi Ngài làm sao chúng lục soát mà không gặp thì Ngài trả lời là Ngài đứng tại góc thang lầu, chúng có rọi đèn chóa nhưng không thấy. Nhờ vậy mà Ngài được yên ổn. Liền đó anh em đưa Ngài ra ngõ sau vượt qua một bức tường thì có xe chực sẵn rước Ngài đi Gia Định.
Ngày sau Ban Trị Sự Tỉnh Gia Định được lịnh đưa Ngài lánh nạn lên Biên Hòa, tạm ẩn nơi nhà ông Phán Ký; ở đây không đầy mười hôm, V.M. tình nghi dọ dẫm, một tín đồ bèn đưa Ngài đi Long Thành vào ở trong vườn trà huế, sở hữu của ông Phán Ký, cách lộ trên một cây số, ở khoảng cây số 51 đường Sài Gòn đi Long Thành.
Tưởng đâu đến đây sẽ được ở yên, nào ngờ gặp phải hàm oan. Số là khi Ngài đến thì trong xóm xảy ra một vụ cướp bóc. Họ nghi cho mấy anh hộ vệ của Ngài là gian tế nên kéo nhau đến vây bắt. Một số anh em bị bắt, may mà Ngài thoát khỏi. Hay tin chẳng lành, Ban Trị Sự Tỉnh Gia Định đến can thiệp mới giải oan mấy anh em hộ vệ ấy.
Thấy không thể ở lâu nơi đây được, nên liền sau đó, anh em hộ vệ đưa Ngài xuống Bà Rịa, ẩn lánh ở Cỏ May.
Khi mới đến, Ngài ở trong một chiếc ghe chở muối hư, sau bị theo dõi nên phải đi sâu vào rừng chà là, nương náu nơi nhà một người khách trú, tuy không phải tín đồ nhưng tiếp đãi Ngài rất hậu.
Trong một bài tự thán, Ngài đã bộc lộ nỗi lòng đau khổ của Ngài trong mấy vần thơ:

Nước non tan vỡ bởi vì đâu!
Riêng một Ta mang nặng khối sầu.
Lòng những hiến thân mưu độc lập,
Nào hay tai họa áp bên lầu.
Bên lầu tiếng súng nổ vang tai,
Trời đất phụ chi kẻ trí tài.
Mưu quốc hóa ra người phản quốc,
Ngàn thu khối hận dễ nào phai.
Từ ấy lao mình vượt khổ nguy,
Băng rừng lội suối giả man di.
Ngày mong ải Bắc oan nầy giải,
Đem sức ra nâng lá quốc kỳ.


Chương X: Dấn-thân [trở lại đầu trang]

Sau khi Đức Thầy lên đường lánh nạn, tình hình trong nước trở nên trầm trọng. Đứng trước nạn xâm lăng của quân Pháp được Anh và bạn Đồng Minh ủng hộ, đang chực chờ tái chiếm Đông Dương, bọn Trần Văn Giàu chẳng những không tìm phương đối phó, mà lại lo đàn áp các đảng phái quốc gia, những phần tử yêu nước bằng lối vu khống ghép cho những tội phản quốc, làm Việt gian để đánh mờ dư luận, che mắt thế gian về tung tích của mình “làm Việt gian, đi đêm với Pháp” mà ông Huỳnh văn Phương có đủ tài liệu trong tay khi ông làm Tổng Giám Đốc công an trong thời chánh phủ Trần Trọng Kim và Nguyễn văn Sâm làm Khâm sai Nam Bộ.
Do chánh sách vu khống ấy mà máu đồng bào đổ quá nhiều, gây nên nạn cốt nhục tương tàn, phá tan sự đoàn kết quốc gia. Hằng ngày đều có những tin bắt bớ khủng khiếp và hành quyết đồng bào vô tội vì danh từ Việt Gian. Một thảm họa khốc liệt đã gieo khắp non sông nước Việt.
Nào là tin Tạ Thu Thâu bị bắt ở Quảng Ngãi, nào lãnh tụ quốc gia bị bắt và bị thủ tiêu.
Trong lúc đó thì quân Pháp nhờ quân Anh yểm trợ trở lại chiếm Sài Gòn ngày 23-9-1945 rồi lần lượt các tỉnh miền Nam. Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ trước hơn ai hết, cuốn gói bỏ Sài Gòn rút về Chợ Đệm, nơi đây cho hành quyết một số lãnh tụ có tiếng như Hồ Văn Ngà, Huỳnh Văn Phương, Hồ Vĩnh Ký, Bùi Quang Chiêu…
Trước sự tấn công mãnh liệt của quân Pháp, Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ rút về Rạch Giá rồi sau cùng về Cà Mau, hợp với Kiều công Cung và Đào văn Trường thành lập Ủy Ban Kháng Chiến Nam Bộ, nhưng không được khuyếch trương trong nhân dân vì phong trào chống độc tài một ngày một bành trướng. Nguyễn Hòa Hiệp kéo Đệ Tam Sư Đoàn về án ngữ Cao Lãnh và Đồng Tháp phát động phong trào chống độc tài đỏ.
Ở Hậu Giang, anh em tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vì bị đàn áp nghiệt ngã, đứng lên chống lại. Một cuộc xô xát đẫm máu xảy ra giữa Việt Minh và Hòa Hảo của nhóm võ sĩ mà Đức Thầy kết nạp vào hàng ngũ Đội Bảo An.
Trên bước đường lánh nạn, Ngài vô cùng đau khổ nhìn thấy non sông một ngày một tràn ngập “lũ Tây di”, cũng vì bọn cường quyền ngu si thi hành chánh sách độc tài đảng trị, giết hại đồng bào, gây cảnh nồi da xáo thịt, có lợi cho bọn xâm lăng cướp nước.
Ngài đã thống thiết thốt ra những lời bi cảm trong một bài thơ tự thán như sau:

Gió hiu hắt bên rừng quạnh quẽ,
Nhìn non sông đượm vẻ tang thương.
Mối tình chủng loại vấn vương,
Thấy quân xâm lược hùng cường căm gan.
Vừa toan rút gươm vàng ngăn giặc,
Bỗng họa đâu gieo rắc bất kỳ.
Cường quyền một lũ ngu si,
Oan nầy hận ấy sử ghi muôn đời.
Truyền khắp nước muôn lời vu cáo,
Dùng trăm ngàn thói bạo hiếp dân;
Làm cho trong nước rẻ phân,
Làm cho giặc Pháp một lần sướng rang.
Vậy cũng gọi an bang định quốc,
Rồi rút lui bỏ mất thành trì.
Giống nòi nỡ giết nhau chi,
Bạng duật tương trì lợi lũ ngư ông.

Trong khoảng cuối năm Ất Dậu, quân Pháp có mặt khắp miền Nam, bọn Trần văn Giàu đã đào tẩu về miền Bắc. Anh em tín đồ đã liên lạc được với Đức Thầy và lo liệu đưa Ngài trở về Chợ Lớn vào thượng tuần tháng chạp năm Ất Dậu. Tính ra từ ngày Ngài ngộ nạn tại đường Sohier lánh thân lên Biên Hòa, Long Thành, Bà Rịa, Cỏ May, Rừng Chà Là cho đến ngày hồi cư trên bốn tháng.
Anh em đưa Ngài vào trú ngụ ở một tiệm khách làm bia đá ở bến Lê Quang Liêm trong Chợ Lớn; nơi đây chỉ mướn được một chỗ để giường đủ cho Ngài và một tín đồ theo hầu Ngài ẩn thân.
Mặc dầu trải lắm hồi gian truân nguy khốn, lòng yêu nước nồng nàn của Ngài không vì thế mà núng nao trước sự thành bại. Ngài cương quyết tiếp tục cuộc tranh đấu, nguyện đền bồi ơn đất nước:

Nếu mất thôi đành xong món nợ,
Nay còn há dễ ngó lơ sao?
Dọc ngang chí cả dù lao khổ,
Thất bại đâu nào dạ núng nao.
Thất bại đâu nào dạ núng nao,
Non sông bao phủ khí anh hào.
Phen nầy cũng quyết đền ơn nước,
Máu giặc nguyện đem nhuộm chiến bào.

Từ hôm trở lại Chợ Lớn, Ngài đã hoàn toàn hóa trang: tóc hớt ngắn (1), phục sức như người Tàu, mang kiếng trắng và đi xe đạp. Nếu không để ý hay quen biết thì không thể nào nhận ra Ngài, vì từ cách đi đứng đến nói năng Ngài đã biến thành một người Tàu. Anh em tín đồ đã lo cho Ngài có một cái giấy Tàu. Hơn nữa Ngài nói tiếng Tàu như người Tàu thì còn ai biết Ngài là người Việt.
____________________________________________________
1). Từ ngày vào bịnh viện Chợ Quán, Ngài đã hớt tóc ngắn rồi.
Lần lượt sự liên lạc với anh em tín đồ ở Hậu Giang được nối lại nhưng rất hạn chế, chỉ những người được phép mới đến gặp Ngài, khi thì ở vườn hoa khi thì ở tiệm nước Băng gia hay ở tiệm cơm chay Phật Hữu Duyên ở Chợ Lớn.
Khi nắm vững tình hình trong nước, Ngài mới khởi sự tiếp xúc lại với các chánh khách, lãnh tụ các đảng phái quốc gia và sau nhiều lần trao đổi ý kiến và hội họp, cùng đi đến quyết định xây dựng lại một lực lượng tranh đấu mới để kịp thời đối phó với tình thế mới.
Ngài nhứt quyết dấn thân vào cuộc đấu tranh dầu phải gian lao, miễn được bảo tồn non nước Việt. Chí khí cứu nước, chống xâm lăng đã bộc lộ tràn trề trong bài thơ “Rứt áo cà sa” như sau:

Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau,
Quyết rứt cà sa mặc chiến bào,
Đuổi bọn xâm lăng gìn đất nước,
Ngọn cờ độc lập phất phơ cao.
Ngọn cờ độc lập phất phơ cao,
Nòi giống Lạc Hồng hiệp sức nhau.
Tay súng tay gươm xông trận địa,
Dầu cho giặc mạnh há lòng nao.
Dầu cho giặc mạnh há lòng na,
Nam Việt ngàn xưa đúc khí hào.
Lúc giặc xâm lăng mưu thống trị,
Anh hùng đâu sá cảnh gian lao.
Anh hùng đâu sá cảnh gian lao.
Chiến địa giao phong rưới máu đào;
Miễn đặng bảo toàn non nước cũ,
Giữ an tánh mạng cả đồng bào.

MẶT TRẬN QUỐC GIA LIÊN HIỆP VIỆT NAM. – Vào khoảng đầu năm 1946, Ngài đã tiếp xúc lại với các lãnh tụ quốc gia và đã cùng nhau thảo luận sự tổng hợp các lực lượng quân sự bị rời rạc trước sự càn quét của quân đội Pháp và sự đàn áp, khủng bố của Việt Minh Cộng sản, thành một trận tuyến, cấp bách cứu vãn tình thế nước nhà, khi bọn Trần văn Giàu tẩu đào về Bắc, quần chúng xơ xát trước sự tấn công của quân xâm lăng.
Ngày 2-4-1946, Huỳnh văn Trí tức Mười Trí chỉ huy Chi đội 4 Vệ Quốc Đoàn, triệu tập tại Bà Quẹo một hội nghị bất thường và đã đi đến thành lập Ủy Ban Liên Hiệp Kháng Chiến, thay thế Ủy Ban Hành Chánh và Kháng Chiến Nam Bộ.
Sau khi sự liên hiệp quân sự thành lập, các thành phần quốc gia thấy cần thực hiện sự liên hiệp chánh trị. Do đó ông Vũ Tam Anh, Trưởng Đệ Nhị Sư Đoàn hiệp với tướng Mười Trí triệu tập tại Bà Quẹo nơi bản dinh của Mười Trí, một Đại hội nghị quân chính gồm đông đủ đại diện các đoàn thể chính trị, tôn giáo và các lực lượng võ trang.
Đại diện tôn giáo gồm có:
– Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo.
– Lê văn Tỵ đại diện Cao Đài Tây Ninh.
– Giáo sư Huỳnh Thơ Hương đại diện Cao Đài kháng chiến Hậu Giang.
– Lâm Văn Hậu đại diện Tịnh Độ cư sĩ.
– Linh mục Nguyễn Bá Sang đại diện Thiên Chúa Giáo.
Đại diện các đoàn thể chánh trị gồm có:
– Phạm Thiều đại diện Phòng chánh trị khu 7
– Trần văn Lâm đại diện V.N. Quốc Dân Đảng
– Phạm Ngọc Chiếu đại diện Đảng Thống Nhứt
– Mai Thọ Trân thay mặt Hà Huy Giáp, đại diện Tổng Công Đoàn và Kỳ Bộ V.M.
– Nguyễn văn Sâm và Nguyễn Bảo Toàn, Lãnh tụ và Tổng thư ký V.N. Quốc Gia Độc Lập Đảng
– Phạm Hữu Đức, Nguyễn văn Nhân đại diện Huỳnh Long Đảng.
Đại diện các lực lượng quân sự gồm có:
– Lê Trung Nghĩa đại diện Lực lượng Kháng chiến
– Phan Định Công thay mặt Nguyễn Bình khu trưởng Khu 7
– Huỳnh văn Trí chỉ huy trưởng Vệ Quốc Đoàn Bà Quẹo kiêm đại diện Liên chi Bình Xuyên.
– Lai Hữu Tài đại diện Vệ Quốc Đoàn địa phương Sài Gòn Chợ Lớn.
– Phạm Hùng Đức chỉ huy trưởng Chi đội 5 Vệ Quốc Đoàn.
– Huỳnh Tấn Chùa chỉ huy trưởng Chi đội 12 Vệ Quốc Đoàn.
– Vũ Tam Anh chỉ huy trưởng Đệ nhị Sư đoàn Dân quân Cách mạng.
– Châu Tỷ chỉ huy trưởng Du kích quân địa phương Sài Gòn Chợ Lớn
– Từ Văn Ri và Từ Huỳnh chi đội trưởng và Đội trưởng Chi đội 12
– Lâm văn Đức chi đội Trưởng Chi đội 25
– Nguyễn văn Đội tự Sáu Đội, Chi đội 7 đổi lại Trung đoàn 307
– Nguyễn văn Mười, Chi đội trưởng chi đội 8, Lực Lượng Cao Đài Kháng Chiến Tây Ninh.
Hội nghị họp ngày 20 tháng 4 năm 1946 vào 13 giờ. Sau ba ngày đêm thảo luận sôi nổi, mọi người đều chấp nhận và tuyên bố thành lập: Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp Việt Nam để huy động toàn lực các đoàn thể tôn giáo, chánh trị, quân sự…chống xâm lăng.
Một Ban Chấp hành được thành lập với thành phần như sau:
Chủ Tịch: Hoàng Anh (Bí danh của Đức Thầy)
Phó Chủ Tịch: Vũ Tam Anh
Thơ ký: Mai Thọ Trân
Tuyên Truyền: Lê Trung Nghĩa
Ủy viên Quân sự: Huỳnh Văn Trí
Cố vấn: Phạm Thiều, Phạm Hữu Đức, Trần văn Lâm
Ngoài ra còn thành lập Ủy Ban Quân sự Tối cao. Võ phòng đặt tại ấp Tám làng Vĩnh Lạc (miệt Bà Quẹo, 18 thôn vườn trầu) và có một tờ báo bí mật: tờ Tự Do làm cơ quan tranh đấu.
Mặt trận có phái người đi hoạt động miền Trung và Bắc để thành lập ở mỗi nơi một Mặt Trận có thống nhứt lực lượng toàn quốc chống xâm lăng.
Riêng về khu Sài Gòn, Đức Thầy, ông Lê Trung Nghĩa và giáo sư Phạm Thiều lãnh công tác vận động dân chúng kháng chiến ủng hộ Mặt Trận. Công cuộc bị bại lộ, một số người bi bắt trong đó có cha Luật, cha Sang. Rất may là Đức Thầy, ông Lê Trung Nghĩa và một nữ liên lạc viên thoát khỏi.
Chúng có tìm đến lục soát chỗ Đức Thầy ở, nhưng không tìm thấy tài liệu cất dưới gối, mặc dầu chúng đã lật qua lật lại nhiều lần.
Thấy bại lộ, Đức Thầy cho dời phòng đi nơi khác và căn dặn phải mướn một căn nhà có ngõ hậu. Anh em tín đồ cũng rán mướn gần đó một chỗ ở như ý muốn.
Có một hôm Đức Thầy về nghỉ; lối nửa đêm Ngài thức giấc bước ra cửa sau đi tiểu thì liền lúc đó bọn Công an Pháp đến kêu cửa phía trước và tràn vào lục soát, rọi đèn khắp phía sau mà không thấy Đức Thầy. Khi bọn chúng đi rồi, Ngài bước vào nhà, anh em theo ủng hộ hỏi Ngài sao biết có cuộc khám xét mà lánh thân và ẩn cách nào mà bọn chúng rọi đèn không thấy thì Ngài đáp: Ngài đi tiểu chớ có biết bọn chúng đến xét đâu mà tránh, Ngài đứng tiểu phía sau chớ có đi đâu, tại chúng rọi không thấy.
Cũng trong thời gian Ngài ở trọ căn nhà nầy, tuy gọi là mướn chỗ ở, nhưng Ngài thường đi luôn, lâu lâu mới về nghỉ năm ba hôm để tiếp xúc với anh em tín đồ dưới Hậu Giang lên, rồi thì vắng mặt. Cô chủ nhà có một cô em gái thấy Đức Thầy thì đem lòng thầm yêu. Để thức tỉnh lòng phàm của con người trần tục, Ngài có làm ba bài thơ “Tình yêu” như sau:

Ta có tình yêu rất đượm nồng,
Yêu đời yêu lẫn cả non sông;
Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,
Không thể yêu riêng khách má hồng.
Nếu khách má hồng muốn được yêu,
Thì trong tâm chí hãy xoay chiều.
Hướng về phụng sự cho nhân loại,
Sẽ gặp tình Ta trong khối yêu.
Ta đã đa mang một khối tình,
Dường như thệ hải với sơn minh.
Tình yêu mà chẳng yêu ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.

Ai cũng nhận Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp quả là một Mặt trận thống hợp các lực lượng quốc gia, tạo thành một thế vững mạnh cho chánh nghĩa dân tộc được quần chúng ủng hộ, nhiệt liệt tham gia. Quân Pháp đâm ra lo ngại mà Cộng sản cũng canh cánh phập phòng không khéo Mặt Trận Liên Hiệp sẽ làm lu mờ Mặt Trận Việt Minh, nên chi Cộng sản tìm cách ngăn chận và mưu toan phá cho tan vở.
Về phía quân Pháp thì chúng đổi chiến lược, thay vì đem toàn lực tấn công các lực lượng cộng sản, chúng đâm mũi dùi vào hàng ngũ quốc gia. Ở thành chúng cho công an cảnh sát lục soát, chận bắt các nhân viên của Mặt Trận và phá vở các ổ liên lạc. Hơn 150 nhân viên của Mặt Trận bị bắt, trong đó có quí ông Nguyễn Trung Chánh, Nguyễn Thanh Tân bị đày đi Côn Đảo. Ở bưng, chúng đem toàn lực thủy lục không quân tấn công các căn cứ quốc gia, đánh dồn về biên giới Cao Miên (Quéo Ba, Thổ Địa, Bình Hòa).
Thừa dịp Mặt Trận Quốc Gia đang đối phó với xâm lăng, Cộng sản tung ra Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Hiệp), dùng một danh từ tương tợ (Liên Hiệp) để gây sự hiểu lầm trong các giới đồng bào, với dụng ý đem Hội Liên Hiệp đánh tráo Mặt Trận Liên Hiệp. Nguyễn Bình và Phạm Thiều tuyên bố rút khỏi Mặt Trận và đề nghị đổi Mặt Trận Liên Hiệp thành Hội Liên Hiệp, nhưng đề nghị nầy không được các đoàn thể quốc gia chấp nhận.
Thế là, Cộng sản, trong lúc tình thế nước nhà đang nguy ngập trước nạn xâm lăng, nhẫn tâm dùng thủ đoạn mượn danh nghĩa chánh phủ giải tán Mặt Trận thẳng tay khủng bố các đoàn thể quốc gia. Cuộc khủng bố giữa Quốc Cộng bùng nổ ở miền Nam cũng như ở miền Bắc.
Do thỏa hiệp 6-3-1946, ký kết với Pháp, chánh quyền Cộng sản liên quân với Pháp đàn áp các lực lượng quốc gia ngoài Bắc. Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội bị tấn công đến tan rã hàng ngũ phải chạy sang Trung Hoa.
Còn ở miền Nam thì các đoàn thể quốc gia bị khủng bố tới tấp. Đứng trước sự phản bội của Cộng sản, Đức Thầy liền triệu tập Đại hội để quyết định thái độ. Đứng trước nguy cơ của đất nước, các đoàn thể không tự cho phép dùng võ lực đối phó lại, sợ làm suy giảm tiềm lực kháng chiến của quốc gia, nên chấp nhận tạm giải tán Mặt Trận vào thượng tuần tháng 7 năm 1946, nhưng cương quyết không nhận tham gia Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam.
Đứng trước sự phản bội của Cộng sản, nhứt là sự cốt nhục tương tàn do chánh sách khủng bố của chế độ độc tài gây nên, Đức Thầy vô cùng thống khổ, viết ra những dòng thơ bộc lộ tâm can của một chiến sĩ đặt quyền lợi quốc gia trên mọi quyền lợi bè phái hay thù riêng, gióng lên “Tiếng chuông cảnh tỉnh”:

Đồng bào ai nỡ dứt tình,
Mà đem chém giết để mình an vui.
Dù lúc trước nếm mùi cay đắng,
Kẻ độc tài đem tặng cho Ta;
Sau nầy Tòa án quốc gia,
Sẽ đem kẻ ấy mà gia tội hình.
Lúc bây giờ muôn binh xâm lược,
Đang đạp vày non nước Việt Nam,
Thù riêng muôn vạn cho cam,
Cũng nên gát bỏ để làm nghĩa công.

Rồi Ngài kêu gọi mở lòng khoan dung tha thứ và vì nghĩa đồng chủng đồng bào, hãy hiệp lực đoàn kết nhau chống phân ly (bọn Nam Kỳ tự trị) và chống xâm lược (Pháp).

Khắp Bắc Nam Lạc Hồng một giống,
Tha thứ nhau để sống cùng nhau.
Quí nhau từng giọt máu đào,
Để đem máu ấy tưới vào địch quân.
Đấng anh hùng vang lừng bốn bể,
Các sắc dân đều nể đều vì,
Đồng bào nỡ giết nhau chi,
Bạng duật tương trì lợi lũ ngư ông.
Hỡi những kẻ có lòng yêu nước,
Nghe lời khuyên tỉnh được giấc mê.
Anh em lớn nhỏ quày về,
Hiệp nhau một khối chớ hề phân ly.
Đả đảo bọn Nam kỳ nô lệ,
Kiếp cúi lòn thế hệ qua rồi.
Lời vàng kêu gọi khắp nơi,
Anh em chiến sĩ nhớ lời Ta khuyên.

VIỆT NAM DÂN CHỦ XÃ HỘI ĐẢNG. – Mặc dầu Mặt Trận chánh trị không còn hoạt động, nhưng về mặt quân sự, Đức Thầy vẫn còn hợp lực với các nhà chỉ huy quân sự như Huỳnh văn Trí, Lê văn Viễn và các trưởng chi đội thuộc thành phần quốc gia đấu tranh chống xâm lăng.
Đứng trước tình hình đất nước càng ngày càng nguy ngập, Ngài nhận thấy không thể tranh đấu thuần mặt quân sự mà cần phải tranh đấu về mặt chánh trị mới mong chống xâm lăng Pháp và ngăn chận được nạn độc tài giành lãnh đạo kháng chiến là điều thất lợi cho công cuộc kháng chiến chống xâm lăng về phương diện đối ngoại cũng như về phương diện đối nội.
VỀ ĐỐI NGOẠI. – Nếu để Cộng sản hay cán bộ Cộng sản Đệ Tam Quốc tế lãnh đạo kháng chiến chắc chắn sẽ không được sự ủng hộ của Đồng minh không cộng sản. Do đó cuộc kháng chiến phải đau khổ, gây nhiều tang tóc cho quốc gia, thảm hại cho đồng bào. Trái lại, nếu người quốc gia lãnh đạo kháng chiến, chắc chắn sẽ được các nước Đồng minh dân chủ ủng hộ, nhờ đó mà cuộc kháng chiến không dai dẳng. Như trường hợp của Nam Dương, ban đầu cuộc kháng chiến do Sokarno một lãnh tụ thân Trục Phát xít lãnh đạo, thấy bất lợi nên nhường quyền lãnh đạo kháng chiến lại cho Bác sĩ Djarir thân Đồng minh, nhờ vậy mà các nước dân chủ ủng hộ, bắt Hòa Lan phải rút lui, trả quyền tự chủ cho Nam Dương.
VỀ ĐỐI NỘI. – Cộng sản khi lên nắm chánh quyền đã thi hành chánh sách độc tài đảng trị, giết hại đồng bào, gây tang tóc cho quê hương, vì vậy mà không thực hiện sự đoàn kết toàn dân. Hơn nữa thiếu chánh nghĩa dân tộc, Việt Minh không thể thủ lấy vai trò lãnh đạo chánh trị. Vì vậy mà cuộc kháng chiến kéo dài gây điêu linh cho đất nước, đau khổ cho đồng bào.
Bởi nhìn thấy những trở ngại như đã nói trên, Đức Thầy, muốn cho cuộc kháng chiến hữu hiệu mau đạt thắng lợi, vừa được cảm tình các nước dân chủ bên ngoài vừa được sự ủng hộ nhiệt liệt của toàn dân bên trong, cần phải có một lực lượng đoàn kết quốc gia, nêu cao được ngọn cờ chánh nghĩa dân tộc.
Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp đã phá tan, không vì thế mà không tiếp tục tranh đấu. Đức Thầy bèn nghĩ đến sự tái tạo một lực lượng chánh trị khác khả dĩ kịp thời ứng phó với thời cuộc và đủ sức chống xâm lăng cứu nước.
Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp tuy qui tụ được nhiều đoàn thể tôn giáo, chánh trị, nhiều lực lượng võ trang nhưng với tổ chức mặt trận, sự lãnh đạo bao giờ cũng lỏng lẻo rất dễ bị phá hoại, tan rã.
Cho được thống nhứt hành động, lãnh đạo duy nhứt cần phải tổ chức thành một chánh đảng, gồm những thành phần thuần nhứt (homogène) cùng chấp nhận một đường lối, lập trường tranh đấu chung và cùng chịu khép mình vào những kỷ luật sắt.
Khi hội hợp và gần gũi nhau tranh đấu trong Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp, Đức Thầy đã tìm thấy những bạn tri kỷ, những người có thể trở thành đồng chí, cùng đứng chung trong một tổ chức chặt chẽ, có lập trường, kỷ cương hẳn hoi: tổ chức một chánh đảng quốc gia, gồm nhiều thành phần cùng chung một chí hướng.
Ngài nhận thấy Phật Giáo Hòa Hảo là một tổ chức qui tụ các thành phần nông dân, chỉ có lòng thiết tha yêu nước và dám hành động cách mạng nhưng lại kém văn hóa, vì là thành phần bạc đãi trong xã hội, thường bị bóc lột sức lao động, sống một đời cần cù, mãi lo ăn lo mặc không rồi thì còn đâu được rỗi rảnh để trau giồi về mặt văn hóa, trí thức.
Trái lại đảng viên của Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng của quí ông: Nguyễn văn Sâm, Nguyễn Bảo Toàn, Lâm văn Tết, Lê văn Thu, Trần văn Ân… là một tổ chức khá quan trọng qui tụ hầu hết các thành phần trí thức thành thị, có những cán bộ xuất thân trong hàng khoa bảng, có những đảng viên từng được trui luyện trong các cuộc tranh đấu quần chúng thợ thuyền, nhưng nếu đem sánh với khối nông dân của Phật Giáo Hòa Hảo thì họ trở nên thiểu số.
Vì vậy nếu đứng riêng rẽ tranh đấu, mỗi đoàn thể không sao tạo thành một lực lượng hùng hậu khả dĩ thay đổi được thế cờ, chuyển được vận nước; bởi một đàng có lực lượng quần chúng nhưng thiếu cán bộ điều khiển, còn một đàng có thừa cán bộ chỉ huy nhưng lại không có khối quần chúng ủng hộ.
Nếu hai lực lượng nầy được hợp nhứt và nếu có thể qui tụ thêm vài thành phần nữa, thành một chánh đảng thì chắc chắn đủ sức tranh đấu chuyển được thế nước, đem lại thắng lợi cho quốc gia, và đủ sức lãnh đạo nước nhà theo một chương trình cấp tiến, phù hạp với nguyện vọng của toàn dân và tiến kịp trào lưu thế giới.
Nhận thức được sự cần thiết xây dựng một lực lượng chánh trị duy nhứt, các nhà lãnh đạo của hai đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo và Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, thống hợp nhau thành Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, gọi tắt là Dân Xã Đảng.
Đó là hai thành phần cốt cán của Đảng Dân Xã, nhưng ngoài hai thành phần nầy, Đảng còn kết nạp các thành phần khác, tuy không quan trọng về lực lượng quần chúng, nhưng có một số cán bộ tân tiến trong những tổ chức: Cần Lao, kháng chiến, thanh niên…
Ban lãnh đạo tổ chức theo hình thức chủ tịch đoàn gồm tối đa 15 nhân viên gọi là Ủy viên Trung Ương, có thể mỗi ủy viên đảm trách một nhiệm vụ. Trung Ương Đảng bộ được tổ chức và gồm có :
– Nguyễn Bảo Toàn, Tổng Bí Thơ
– Nguyễn văn Sâm, Ủy viên Trung Ương đặc trách Ngoại Giao
– Trần văn Ân, Ủy viên Trung Ương đặc trách Tuyên Truyền
– Lê văn Thu, Ủy viên Trung Ương đặc trách Huấn Luyện
– Lâm văn Tết, Ủy viên Trung Ương đặc trách Tài Chánh
– Đỗ Phong Thuần, Ủy viên Trung Ương đặc trách Tài Chánh
– Trần văn Tâm, Ủy viên Trung Ương đặc trách Thủ Quỹ
– La văn Thuận, Ủy viên Trung Ương đặc trách Liên Lạc.
Còn Đức Huỳnh Giáo Chủ, Ngài chỉ giữ chức Ủy Viên Trung Ương không có đặc trách một nhiệm vụ nào cả.
Cứ xem thành phần của Ban Chấp Hành Trung Ương ai cũng thấy hầu hết những chức vụ quan trọng đều giao phó cho anh em bên Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng. Đức Thầy giao trọn bộ máy đều hành Đảng cho anh em thuộc thành phần trí thức và có thành tích đấu tranh, có uy tín trong nhân dân, từng tham gia các phong trào chống Pháp và từng vào tù ra khám như quí ông: Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn văn Sâm, Trần văn Ân…
Có người hỏi Đức Thầy sao lại trao cả bộ máy điều khiển Đảng cho anh em Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, không sợ người ta lợi dụng để làm nấc thang danh lợi hay sao thì Ngài có trả lời đại khái như sau:
Phàm hợp tác thì nên thành thật. Đã tín nhiệm thì phải dùng và đặt để đúng chỗ, xứng với tài năng của người. Việc cứu nước là việc chung, mình nên ủng hộ cho người ta làm, chớ đừng ganh tỵ, tranh giành mà hư việc lớn. Mình nên thực tâm đem khối quần chúng hùng hậu của mình ủng hộ cho các chiến sĩ cách mạng tranh đấu cho đất nước. Ngày nào mình thấy họ có ý lợi dụng hay không thực tâm tranh đấu cho quyền lợi quốc gia thì mình rút sự ủng hộ lại. Quần chúng là của mình, mất mát đâu mà sợ.
Trung Ương Đảng Bộ cho mở khóa huấn luyện chánh trị đầu tiên tại Sài Gòn và đồng thời cho xuất bản tờ Quần Chúng làm cơ quan tranh đấu. Toà soạn đặt tại đường Chaigneau, nay là Tôn Thất Đạm, có cả máy in riêng. Uy thế của Đảng một ngày một lớn mạnh thu hút một số đông trí thức thành tham gia vào cuộc đấu tranh chống xâm lăng bằng hai đường lối: cách mạng ở bưng và đường lối chánh trị ở thành.
Vì sợ ảnh hưởng của Đảng Dân Xã, Cộng sản tìm cách phá hoại bằng lối tung lựu đạn vào tòa soạn báo Quần Chúng; còn thực dân Pháp thì tìm cách ám hại Ủy viên Trung Ương.

THAM CHÁNH. – Mặc dầu đã thành lập Đảng Dân Xã, hoạt động chánh trị ngoại thành với tờ báo Quần Chúng làm cơ quan ngôn luận, nhưng Ngài ít ở Sài Gòn, mà thường có mặt ở chiến khu. Ngài để chơn khắp miền Đông nào là: Bà Quẹo, Hòa Bình, Quéo Ba, Vườn Thơm, Thổ Địa, Chòi Mòi, Bù Lu, Mộc Hóa, Lạc An, An Phú Đông…sát cánh với anh em chiến sĩ, các cấp thuộc thành phần quốc gia như: Huỳnh văn Trí, Lê văn Viễn.
Nhận thấy ảnh hưởng của Đảng Dân Xã được các thành phần trí thức thành thị tham gia khá đông và tiếng nói chánh nghĩa của báo Quần Chúng được đồng bào trong nước hân hoan tiếp nhận và dư luận quốc tế đặc biệt chú ý, Cộng sản mấy lần phá hoại hàng ngũ quốc gia không thấy hiệu quả, nên phen nầy thay đổi chánh sách khủng bố ra chánh sách hòa dịu đối với Đức Huỳnh Giáo Chủ mong được hợp tác trở lại để tăng cường lực lượng kháng chiến hầu có đủ sức chống xâm lăng, nhứt là lực lượng võ trang của Phật Giáo Hòa Hảo đã từng biểu diễn trong nhiều cuộc đột kích thắng lợi quân Pháp ở nhiều nơi.
Để nối lại liên lạc hầu đi đến sự hợp tác, Trường Phong Phạm Thiều tìm đến gặp Đức Thầy.
Trong cuộc đàm thoại, Phạm Thiều có ý trách anh em tín đồ ở Hậu Giang gây nên cuộc xô xát giữa V.M. và Hòa Hảo thì Đức Thầy có đáp: Đứng về mặt tôn giáo, lấy đức hiếu sinh của nhà Phật làm tiêu chuẩn song tôi đã ra làm chánh trị thì những sự xô xát thương tâm do bên V.M. gây ra, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo chỉ đứng về phương diện tự vệ mà thôi.
Sau đó một thời gian, trong lúc Ngài ở Tổng bản dinh Bộ đội An Điền, Phạm Thiều có gởi đến cho Ngài 5 bài thơ khích tướng, có ý mời Ngài tham chánh cứu dân cứu nước, dẹp bỏ mối hiềm xưa:

Mưa gió thâu canh mãi dập dồn,
Âm u tràn ngập cả càn khôn.
Hỡi ai thức ngủ trong đêm ấy,
Có thấu tai chăng tiếng quốc hồn.
Sao còn khắc khoải mối hiềm xưa,
Trang sử chùi đi những vết nhơ.
Gìn giữ tim son không chút bợn,
Mặc toà dư luận thấu hay chưa.
Sao còn lãnh đạm với đồng bang,
Toan trút cho ai gánh trị an.
Thảm kịch “tương tàn” chưa hết diễn,
Long Xuyên, Châu Đốc lụy muôn hàng.
Sao còn ngần ngại chẳng ra tay,
Trước cảnh xâm lăng cảnh đọa đày.
Ngọn lửa binh đao lan khắp đất,
Phật Trời soi thấu cũng châu mày.
Chẳng có cà sa chẳng chiến bào,
Về đây tham chánh mới là cao,
Non sông chờ đợi người minh triết,
Chớ để danh thơm chỉ Võ Hầu.

Ngày 1 tháng 10 năm 1946, Đức Thầy gởi bài thơ họa lại nguyên vận như sau:

Những nỗi đau thương mãi dập dồn,
Càng nhiều luân lạc lại càng khôn.
Lặng nhìn thế sự nào ai ngủ,
Chờ dịp vung tay dậy quốc hồn.
Từ bi đâu vướng mối hiềm xưa,
Nhưng vẫn lọc lừa bạn sạch nhơ.
Nếu quả tri âm tri ngộ có,
Thì là hiệp lực hiểu hay chưa?
Nhìn xem Trung quốc khách lân bang,
Cứ cố xỏ ngầm sao trị an?
Nếu thiệt hai bên đồng hiệp trí,
Kẻ gây thảm kịch phải qui hàng.
Lắm kẻ chực chờ đặng phỏng tay,
Mà sao chánh sách bắt dân đày.
Vẫn còn áp dụng vì phe đảng,
Chẳng muốn xông ra sợ cháy mày.
Thà ở trong quân mặc chiến bào,
Ngày qua sẽ biết thấp hay cao.
Nào ai dám sánh mình minh triết,
Mà dám lăm le mộng Võ Hầu.

Trước tình thế nước nhà càng ngày càng trở nên nguy ngập, do nạn Thực dân xâm lược, đồng bào bị giết, nhà cửa vườn tược bị tàn phá tan hoang, Đức Thầy trong tuần tháng 10 năm 1946 chấp nhận tham chánh, nhưng với một chức vụ hết sức khiêm tốn, có thể nói một chức vụ tượng trưng cho tình đoàn kết chống xâm lăng: Ủy viên Đặc biệt trong Ủy Ban Hành Chánh Nam bộ.


Ngài đã giải bày lý do của sự tham chánh ấy trong một bản tuyên bố đăng trên báo Quần Chúng ngày 14-11-1946, như sau:
“Hôm nay, nhận rõ cuộc tranh đấu cho tổ quốc còn dài và cần nhiều nỗ lực, hưởng ứng với tiếng gọi đại đoàn kết của chánh phủ Trung Ương, tôi quyết định tham gia hành chánh với những mục đích nầy:
1. Để tỏ cho quốc dân và chánh phủ thấy rằng chúng tôi chủ trương thống nhứt lãnh thổ và độc lập quốc gia.
2. Để biểu dương tinh thần đoàn kết của dân tộc hầu mau đem thắng lợi cuối cùng.
3. Để tỏ cho các đảng phái thấy rằng chúng tôi không khi nào có những tham vọng cao sang vương bá hay vì hềm riêng mà hờ hững với phận sự cứu quốc.

Biểu lộ tấm lòng thành thật ấy, tôi chỉ nhận một nhiệm vụ cần thiết, hạp với hoàn cảnh và năng lực mình, cố gắng giàn xếp về hành chánh và quân sự để củng cố tăng cường lực lượng của quốc gia.”
Để giàn xếp các cuộc xô xát giữa Việt Minh và Hòa Hảo – Dân Xã, Ngài chấp nhận thành lập một Ủy Ban Hòa Giải gồm có ba thành viên:
Đại diện Cộng Sản : Hoàng Du Khương
Đại diện Thiên Chúa Giáo : Linh mục Lê bá Luật
Đại diện Phật Giáo Hòa Hảo : Mai văn Dậu
Linh mục Lê bá Luật đúng lý đóng vai trò là trung gian, nhưng theo dư luận, ông thuộc thành phần Thiên Chúa giáo thân Cộng. Thành thử ông Mai văn Dậu phải luôn luôn ở thế chống đối. Vả lại ông là người cương trực và khôn ngoan nên đại diện kia không thể lừa hay lấn áp. Nhờ vậy mà một số cán bộ Dân Xã được cứu thoát.

Vì có sự chênh lệch cho nên công cuộc xô xát giữa V.M. và Hòa Hảo lại bùng cháy mãnh liệt hơn trước. Việt Minh lợi dụng tư thế chánh quyền dở thủ đoạn đàn áp và thủ tiêu tín đồ Hòa Hảo và đảng viên Dân Xã, khiến Đức Thầy phải di hành về miền Tây để giàn xếp.
CHI ĐỘI 30. – Trong thời kỳ toàn dân kháng chiến lúc bọn Trần văn Giàu rút về Rạch Giá rồi cuối cùng chạy về Cà Mau, quân Pháp trở lại chiếm cứ miền Nam ngày ngày đi ruồng bố hết làng nầy sang làng khác, đốt phá nhà cửa, giết hại lương dân, nhân dân của mỗi địa phương tự động tổ chức lấy lực lượng võ trang chống Pháp. Ban sơ dùng tầm vông vạt nhọn chống lại thần công đại bác của giặc, nhưng nhờ chiến thuật du kích nhân dân đoạt thủ được súng đạn của giặc mà dần dần tổ thành những đội nghĩa quân, do nhân dân cung cấp lương thực và nhiều khi đóng góp tiền bạc mua sắm khí giới. Những đội nghĩa quân lần lần trưởng thành những tiểu đội, trung đội võ trang có phận sự bảo vệ hương thôn chống lại cuộc ruồng bố của Pháp, bắt đầu từ đó.

Phương chi, trong thời kỳ Nhựt bổn, có nhiều đoàn thể hợp tác với Nhựt được Nhựt võ trang nên thành lập riêng những lực chiến đấu.
Đức Huỳnh Giáo Chủ không chịu nhờ Nhựt về quân sự, nên không có tổ chức lực lượng được Nhựt võ trang như các đoàn thể khác. Mặc dầu không hợp tác hay nhờ Nhựt võ trang, nhưng tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để tự vệ và đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống xâm lăng cũng tự động tạo lập các lực lượng võ trang.
Khi Đức Huỳnh Giáo Chủ chấp nhận tham chánh, Ngài đã có một lực lượng quân sự võ trang rồi. Đó là nghĩa quân Cách mạng Vệ Quốc Liên Đội Nguyễn Trung Trực.

Để thống nhứt lực lượng kháng chiến, sắp xếp có thứ tự và cùng đặt dưới sự chỉ huy duy nhứt, Đức Thầy đem những đội võ trang ấy tổ chức thành một chi đội trong hàng ngũ Vệ Quốc Đoàn Việt Nam. Đó là Chi đội 30 mà Ngài giao quyền chỉ huy cho ông Nguyễn giác Ngộ lúc bấy giờ từ Côn Đảo mới trở về, vì đã bị Pháp bắt và kêu án, đày đi Côn Đảo về tội tham gia và hoạt động cho Phật Giáo Hòa Hảo. Ngoài thành tích là một tín đồ trung thành dám hy sinh địa vị cho Đạo và chịu khổ cực đi đày trong ba năm, ông Nguyễn giác Ngộ vốn là một quân nhân của Pháp làm đến chức quản trong hàng ngũ lính tập; chính do cái khả năng quân sự đó Ngài giao quyền chỉ huy Chi đội 30 cho ông.
Tuy các lực lượng võ trang của Phật Giáo Hòa Hảo đã hòa mình vào đại gia đình Vệ Quốc Đoàn Việt Nam, nhưng vì sự tản mác quân đội nên sự chỉ huy rất khó và lực lượng không được tập trung để chiến thắng quân giặc lúc bấy giờ đã tràn ngập miền Nam và đặt vững cơ sở quân sự khắp nơi.
Để thống nhứt hành động, gây lấy tin tưởng trong lòng dân, cũng như tinh thần tranh đấu của chiến sĩ, Đức Thầy hợp với các nhà lãnh đạo “Liên quân” (được thành lập sau khi Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp bị Nguyễn Bình ra lịnh giải tán, gồm các chi đội quốc gia đặt dưới quyền chỉ huy thống nhứt của hai tướng Huỳnh văn Trí và Lê văn Viễn) thảo luận để thành lập một Liên khu quốc gia ở miền Tây hầu phân tán lực lượng của Pháp đặng có cứu vãn miền Đông đang bị giặc lấn áp.

_______________________________________________________________
(1). Đề nghị nầy được chánh quyền Trung ương chấp nhận do Điện văn ngày 28-1-1947.
Để chuẩn bị kế hoạch đã định (thành lập một chiến khu quốc gia ở miền Tây), về mặt quân sự, Đức Thầy ra lịnh cho ông Nguyễn giác Ngộ mở trường huấn luyện quân sự, tại núi Dài đào tạo cấp tốc 10.500 quân, đủ khả năng chiến đấu. Một Ban Giám Đốc thành lập, do kinh lý Nguyễn văn Nghiêm chỉ huy. Còn phần huấn luyện thì giao cho ông Lê Hoài Nam cùng 4 sĩ quan Nhựt cấp tá phụ trách.
Đồng thời, Ngài cũng cho đào tạo nhân viên cứu thương, sắm dụng cụ y khoa và thuốc men. Công việc mua sắm và chuyên chở thì giao cho Sáu Rớt tức Trần văn Tươi, hiện nay là Đại Tá trong Quân đội Cộng hòa.
Ngài cũng ra lịnh cho tín đồ miền Tây lo quân nhu và thực phẩm để tiếp tế cho số quân đang tập dượt và số quân sau nầy khi hoàn thành Liên khu Quốc gia.
Có người thắc mắc hỏi Ngài: Tập luyện 10.500 quân rồi lấy súng ống đâu võ trang thì Ngài có đáp: Sợ là sợ mình không có người cầm súng, chớ đừng sợ không có súng.
Đó là về mặt quân sự. Nhưng quan trọng là mặt chánh trị và ngoại giao. Nếu mạnh về mặt quân sự mà yếu về mặt chánh trị và ngoại giao thì cuộc tranh đấu sẽ cô thế, thiếu chánh nghĩa, chẳng những không được người trong nước sẵn sàng hy sinh tham gia mà cũng không được các nước dân chủ bên ngoài ủng hộ.

MẶT TRẬN TOÀN QUỐC. – Vì vậy mà đồng thời với sự chuẩn bị thành lập Quân khu Quốc gia, Ngài còn lo liệu thành lập một mặt trận chánh trị có ảnh hưởng quốc tế. Ngài bèn ra lịnh cho ông Nguyễn Hoàn Bích tức Nguyễn Bảo Toàn lên đường sang Trung Hoa, với sứ mạng ngoài đại diện cho Đảng Dân Xã, còn đại diện Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài Giáo, hai tôn giáo có một lực lượng hùng hậu ở miền Nam để hiệp với các nhà cách mạng Việt Nam lưu vong ở Trung Hoa, thành lập mặt trận chánh trị, qui tụ các lực lượng chánh trị thành một khối duy nhất tranh đấu cho chánh nghĩa quốc gia, đòi lại chủ quyền dân tộc.
Những nhà cách mạng lưu vong nầy vốn là những lãnh tụ các đảng chánh trị miền Bắc, sau khi bị Cộng sản liên quân với Pháp đánh bạt ra khỏi Bắc Việt chạy sang Trung Hoa nhờ sự che chở của chánh phủ Trùng Khánh cầu viện Trung Quốc giúp đỡ xây dựng lại lực lượng quân sự chờ cơ hội kéo về nước.
Sau khi tiếp xúc và thảo luận, ngày 27-2-1947, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt Toàn Quốc gọi tắt là Mặt Trận Toàn Quốc được thành lập tại Nam Ninh (Trung Hoa).
Mặt trận gồm các đoàn thể sau đây tham gia:
– Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội
– Việt Nam Quốc Dân Đảng
– Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng và P.G.H.H.
– Việt Nam Quốc Gia Thanh Niên Đoàn
– Cao Đài Giáo
– Đoàn thể Dân Chúng
– Liên Đoàn Công chức
Một Ban Chấp Hành Trung Ương thành lập, phân phối trách nhiệm như sau:
– Chủ tịch: Cụ Nguyễn Hải Thần thuộc Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội,
– Ủy viên Ngoại giao: ông Nguyễn Tường Tam thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng.
– Tổng thơ ký: ông Nguyễn Hoàn Bích thuộc Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, đại diện cho Cao Đài giáo và Phật Giáo Hòa Hảo
Ngoài ra còn có quí ông: Trần Côn tức Trần văn Tuyên, Lưu Đức Trung tham gia hoạt động.
Về đại diện trong nước thì giao cho ông Nguyễn văn Sâm, dùng tờ Quần Chúng làm cơ quan ngôn luận cho Mặt Trận.
Mặt Trận có liên lạc với công dân Vĩnh Thụy lúc bấy giờ ở Hương Cảng với mục đích xây dựng giải pháp quốc gia để tranh đấu đòi Pháp trả lại chủ quyền cho nhân dân Việt Nam.
Về sau, Bảo Đại chấp nhận theo kế hoạch của Pháp trở về nước làm Quốc Trưởng, chủ trương đem Việt Nam đứng trong Liên Hiệp Pháp.
Như thế, sứ mạng của Mặt Trận không thành, nghĩa là không tạo được thế chánh trị bên ngoài làm hậu thuẫn cho thế kháng chiến quốc gia bên trong. Dầu không đạt thành ý nguyện, Mặt Trận cũng đã làm được một việc có ích lợi cho dân tộc là Khai sanh giải pháp quốc gia cho vấn đề Việt Nam.

DI CHUYỂN VỀ MIỀN TÂY. – Mặc dầu có Ủy ban Hòa Giải đứng ra giàn xếp, nhưng vì thành phần trong Ủy ban quá chênh lệch, trong lúc bên Hòa Hảo Dân Xã chỉ có một đại diện thì bên V.M Cộng sản có đến 2 đại diện (1 của Cộng sản và 1 của Thiên chúa giáo thân cộng) thành thử không có cuộc giàn xếp nào được ổn thỏa. Cán bộ V.M. thường lợi dụng và nhân danh chánh quyền đàn áp và thủ tiêu tín đồ Hòa Hảo và đảng viên Dân Xã, càng làm cho cuộc xô xát giữa V.M. và Hòa Hảo tăng gia.
Với mục đích giàn xếp và chấm dứt cuộc lưu huyết ở Hậu Giang, Đức Thầy cần phải về miền Tây và hẹn với Ung văn Khiêm, đại diện Cộng sản sẽ gặp nhau tại Long Xuyên.
Thế là Đức Thầy chuẩn bị di chuyển về miền Tây. Nhưng trước khi rời miền Đông, theo lời mời của Lê Trung Nghĩa, một phái đoàn gồm có Đức Thầy, Huỳnh văn Trí và Lai Hữu Tài đại diện cho Lê văn Viễn Phó khu trưởng, đến Tòa Thánh Tây Ninh hội kiến với Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc vào hạ tuần tháng 3 năm 1947. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo thỏa thuận nhau nhiều vấn đề cứu nước và hẹn sẽ gặp lại.
Trước khi về miền Tây, Ngài cũng đã gởi về trước một nhóm văn nhân, chuẩn bị xuất bản một tờ báo trong khu làm cơ quan cho Liên Khu Quốc gia. Nhưng rất rủi, nhà văn Khổng Dương bị tàu binh Pháp bắn chết tại vàm kinh Phong Mỹ. Chỉ có nhà văn Nguyễn Duy Hinh và một số ký giả may thoát nạn.
Trước nhóm văn nhân nầy, cuối năm Bính Tuất, Ngài cũng phái ông Lê văn Thu về miền Tây mở lớp huấn luyện chánh trị cho cán bộ Đảng Dân Xã tại rạch Cái Gút, xã Nhơn Mỹ, trên cù lao Ông Chưởng, quận Chợ Mới,
Đức Thầy cho Bộ đội Phòng vệ và anh em tín đồ chuẩn bị lên đường. Lúc 9 giờ tối ngày 23-3-1947 nhằm ngày 1 tháng 2 nhuần Đinh Hợi, Đức Thầy cho di chuyển ra khỏi Vàm Vè. Đến 6 giờ sáng hôm sau thì đoàn binh đến thôn Thủy Đông và chiều hôm đó di chuyển đến thôn Thuận Nghĩa Hòa vào lúc 8 giờ tối.
Ngày 5-4-1947 (14 tháng 2 nhuần) vào 2 giờ chiều Đức Thầy đến từ giã anh em trong Chi đội 4 và 25 của Bình Xuyên đóng tại Sông Xoài và Vịnh Sao. Đến 5 giờ chiều, Đức Thầy lên đường về miền Tây. Vào lúc 1 giờ khuya, đoàn binh đến trạm gát của Chi đội 18 của V.M. do Chi đội Xuyến chỉ huy. Chúng có bắt giữ ba chiếc ghe trong đoàn, về sau chúng trả tự do cho chiếc của Bà xã Được trước. Đến 6 giờ sáng thì di chuyển đến kinh Gẫy.
Ngày 6-4-1947 vào lúc 8 giờ, đoàn binh đến chợ Tháp Mười, và 1 giờ trưa thì đến chợ Cái Bèo, 2 giờ chiều đến Ba Sao, 5 giờ chiều đến vàm kinh Phong Mỹ.
Vào khoảng 3 giờ rưỡi sáng thì Đức Thầy đến ngọn Ba Răng và lên văn phòng đặt tại nhà ông Bí thơ Ban chấp hành Thôn Phú Thành, nơi đây đã có Chi đội 30 Vệ Quốc Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn giác Ngộ chỉ huy, chực sẵn tiếp rước và bố phòng.
Về đến đây có 2 việc khủng bố của V.M. giết hại tín đồ Hòa Hảo và đảng viên Dân Xã làm cho Ngài xúc động.
Ngày 13-4-1947 một chiến sĩ Dân Xã trong Bộ đội Lưu động số 1 đi hớt tóc tại chợ Ba Răng bị cán bộ V.M. ấp vào bắt đem đi chặt đầu.
Cũng trong ngày đó, anh Nguyễn Ngọc Phước Bí Thơ Tỉnh đảng bộ Rạch Giá bị Trung đội 12 thuộc Đại đội 66/22 bắt và đem hành quyết trong đêm 13 rạng 14-4-1947.
Ông Mai văn Dậu có về báo cáo với Đức Thầy và thú nhận bất lực trong việc can thiệp.

THỌ NẠN. – Hôm sau, Đức Thầy có nhận được 2 bức thơ, một của Trần văn Nguyên, Đặc phái viên kiêm Thanh Tra chánh trị miền Tây Nam bộ và một của Bửu Vinh, mời Ngài đến dự Hội nghị họp tại làng Tân Phú để định liệu kế hoạch hòa giải giữa V.M và Hòa Hảo Dân Xã.
Vào lúc 7 giờ sáng ngày 15-4-1947 (24 tháng 2 nhuần) Đức Thầy xuống ghe đi với 3 người chèo, 4 tự vệ quân, ông Đại đội trưởng ĐĐ/2 và người thơ ký văn phòng là ông Huỳnh Hữu Thiện.
Lối 8 giờ sáng ghe tới chợ Ba Răng, có Trần văn Nguyên xuống bến đón Ngài lên chợ, Ngài diễn giảng trước đông người kêu gọi sự đoàn kết chống xâm lăng và gát bỏ hận thù giữa V.M. và Dân Xã. Trưa lại Ngài dùng cơm với Trần văn Nguyên trong một căn phố gần đó. Sau bữa cơm, độ 12 giờ, Trần văn Nguyên và một thơ ký xuống đi chung ghe với Ngài đến Đốc Vàng hạ thuộc thôn Tân Phú. Đến đây, một bản hiệu triệu được công bố, cho biết các cấp chỉ huy hai bên đang bắt tay nhau lo việc hòa giải và kêu gọi hai bên đừng xô xát nhau.
Sau khi dùng cơm chiều, Đức Thầy lại nghỉ ở nhà một tín đồ gần đó.
Hôm sau, ngày 16-4-1947 (25 tháng 2 nhuần), lối 7 giờ sáng Đức Thầy trở lại hội đàm với Trần văn Nguyên, rồi phái ông Ngô Trung Hưng cùng một nhân viên của Trần văn Nguyên đi các thôn hòa giải.
Sau khi dùng cơm trưa, Đức Thầy xuống ghe nghỉ thì Bửu Vinh đến đưa thơ yêu cầu được gặp Ngài.
Trong cuộc hội kiến, Bửu Vinh báo cáo rằng Dân Xã giết V.M. ở Lấp Vò và buộc Đức Thầy phải đi, nhưng Ngài tỏ ra cương quyết biện bác và đòi Bửu Vinh cùng đi.
Bửu Vinh khước từ và đòi phải cho bộ đội có võ trang theo phòng vệ mới đi. Ngài trả lời một cách cứng cỏi: Tại sao tôi có một ít người không có bộ đội ủng hộ lại dám vào sào huyệt các ông. Như thế quí ông không thành thật.
Bửu Vinh không trả lời được nên buộc lòng nhận đi và yêu cầu Đức Thầy đến văn phòng của y để cùng đi. Liền lúc đó, Trần văn Nguyên đến trao cho Ngài một mãnh giấy nói rằng có điện tín từ Ủy ban Hành Chánh Nam Bộ mời Đức Thầy trở về miền Đông lập tức dự phiên họp bất thường.
Đức Thầy trả lời không thể trở về dự phiên họp được vì còn lo việc hòa giải. Chiều hôm ấy Trần văn Nguyên từ giã Ngài vào lúc nhá nhem tối.
Y lời hẹn, Đức Thầy xuống ghe đến văn phòng Bửu Vinh, có một liên lạc viên dẫn đường. Trời tối đen như mực, bỗng có tiếng kêu: ghe ai đó? Sao giờ nầy đã thiết quân luật mà còn dám đi!
Người liên lạc trả lời: Đi lại văn phòng ông Bửu Vinh.
Liền đó có lịnh: Ghe ghé lại. Rồi thì đèn chóa rọi xuống, khi biết là ghe của Đức Thầy, chúng nói ông Bửu Vinh mời Đức Thầy lên văn phòng.
Đức Thầy cùng 4 tên tự vệ quân lên một ngôi nhà ngói. Ngài vào ngồi bàn giữa nói chuyện với Bửu Vinh, còn 4 tự vệ quân thì cầm súng đứng hai bên cửa gần đó.
Mười phút sau, lối 7 giờ rưỡi, có 8 người đi từ bên ngoài đi vào, chia ra làm 4 cặp tràn tới đâm 4 tên tự vệ quân.
Ba người bị đâm chết, chỉ còn anh thứ tư là Phan văn Tỷ lanh trí nên tránh kịp, liền thoát ra ngoài, bắn một loạt tiểu liên. Trong lúc anh Tỷ né thì một trong 2 tên V.M. bị đồng bọn của mình đâm chết.
Thấy chuyện chẳng lành, Đức Thầy lẹ làng thổi tắt đèn; văn phòng trở nên tối đen, không ai nhận thấy Đức Thầy đâu cả.
Viên thơ ký của Ngài và 3 tên chèo ghe lẹ làng tẩu thoát, vội vã về báo tin.
Tiếng tù và, thùng thiết nổi dậy báo động. Binh sĩ toan vác súng kéo đi giải vây thì vào khoảng 11 giờ đêm bỗng có một tín đồ phi ngựa mang về Phú Thành một bức thơ như sau:
Ông Trần văn Soái và ông Nguyễn Giác Ngộ.
Tôi vừa hội hiệp với ông Bửu Vinh bỗng có sự biến cố xảy ra tôi với ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân, còn điều tra; trong mấy anh em phòng vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi bị bắt hay là mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náo động.
Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỹ lưỡng rồi sẽ về sau.
Phải triệt để tuân lịnh.
Ngày 16-4-1947 9 giờ đêm.
Ký tên
Ông Mai văn Dậu đem đối chiếu chữ ký thì xác nhận là chính của Đức Thầy. Thế là mọi người phải tuân lịnh, chỉ nhìn nhau mà thở dài với niềm hy vọng ngày mai Ngài sẽ trở về.
Nhưng từ ngày 16-4-1947 cho đến nay vẫn bặt luôn tin tức.