Phật Giáo Hòa Hảo Trung Ương Hải Ngoại

2. Phật-Giáo Hòa-Hảo yếu-lược

1. Vài nét về Đức Huỳnh Giáo-Chủ
2. Vị-trí địa-dư
3. Nguồn-gốc
4. Số tín-đồ PGHH
5. Đặc-tính PGHH
6. Sự thờ-phượng
7. Cờ Đạo và Huy-hiệu
8. Thánh-địa Hòa-Hảo
9. Hệ-thống tổ-chức
10. Sinh-hoạt
11. Trong cộng-đồng Phật-giáo thế-giới
12. HỆ THỐNG BAN TRỊ SỰ


1. Vài nét về Đức Huỳnh Giáo-Chủ

Người sáng lập Ðạo Phật-Giáo Hòa-Hảo là Ðức Thầy tục danh Huỳnh-Phú-Sổ. Đản sanh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi (15-1-1920) tại làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Ðốc, một tỉnh xa xôi giáp biên-thùy Việt-Miên thuộc miền Nam Việt.

Ngài là trưởng nam của Ðức Ông Huỳnh-Công-Bộ và Ðức Bà Lê-Thị-Nhậm; một gia đình trung lưu, nhiều phúc hậu và nhiều uy tín với nhân dân địa phương.

Thuở nhỏ, vừa học đến hết bậc tiểu học thì đau ốm liên miên, nên Ngài phải rời nhà trường về dưỡng bịnh. Từ 15 đến 18 tuổi, Ngài không lúc nào dứt được cơn đau và không một lương y nào trị được.

Năm 1939, sau khi hướng dẫn thân phụ đi viếng các am động miền Thất sơn và Tà lơn – những núi non được nổi tiếng linh thiêng hùng vĩ – Ngài tỏ ra đại ngộ. Ngày 18 5 Kỷ Mão, (1939) Ngài chính thức mở Ðạo. Bắt đầu là công việc chữa bịnh. Ngài chữa lành được các chứng hiểm nghèo với phương pháp thật giản đơn là chỉ dùng lá cây, nước lã, giấy vàng, khiến cho các Bác sĩ Tây y, các Dược sư Ðông y lẫn các danh gia phù thủy đều phải kinh dị.

Song song với việc chữa bịnh, Ngài thuyết pháp thao thao bất tuyệt. Nhiều thi sĩ văn gia hoặc luật gia nghe tiếng, đến chất vấn, đều phải nhận Ngài là một bậc siêu phàm.

Cũng từ năm 1939, Ngài sáng tác thật nhiều kệ giảng, nội dung tiên tri chiến cuộc sẽ tràn lan, nhân loại sẽ điêu linh và kêu gọi mọi người nên bỏ dữ về lành, thực hành tứ ân, trau dồi thiền tịnh để trở thành thiện nhân trong xã hội và tiến đến sự nhập diệu cõi đạo.

Nhìn qua công đức giảng dân cứu chúng, người ta thấy Ngài chữa được hằng vạn chứng hiểm nghèo, thuyết pháp hằng ngàn lần trước đại đa thính chúng và sáng tác sáu quyển Kệ Giảng cùng với hằng trăm bài thi ca, văn, chú có giá trị siêu việt.

Văn chương của Ngài cực kỳ bình dân nhưng rất hàm súc hấp dẫn. Ngài viết không cần giấy nháp.

Giáo Pháp của Ðức Giáo Chủ tuy cao siêu nhưng không kém phần thực tế, có thể áp dụng cho bất cứ nơi nào trên thế gian. Ngài là một nhà đại cách mạng tôn giáo. Vì trước khi Ngài ra đời, Ðao Phật Việt Nam bị đình đốn sai lạc, và Ðạo Phật Thế giới chưa nói tới việc canh tân. Ngài đã cắt bỏ tất cả những nghi lễ phiền toái mà nguyên căn không phải của Ðức Thích Ca chủ trương, đồng thời còn canh tân nhiều điểm trong phương pháp thực hành đạo Phật mà trước kia không hề có.

Nhờ Giáo Pháp thích thời đó nên chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài thu phục được hai triệu tín đồ tại miền Nam Việt Nam và ảnh hưởng mỗi lúc càng lan rộng thêm ra.

Vì Ngài được thiên hạ quá hoan nghinh nên nhà đương cuộc bắt đầu để ý đến sự bành trướng lạ thường của phong trào tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo, nên một biện pháp chánh trị đã được đem ra thi hành và Ngài phải bị lưu trú tại làng Nhơn Nghĩa (Cần thơ).

Ở đây, Ngài lại được người ta tôn sùng hơn trước nữa, làm cho nhà cầm quyền phải đem Ngài an trí tại nhà thương Chợ Quán. Sau đó, Ngài lại bị dời về Bạc Liêu đến năm 1942.

Khi người Nhựt nhúng tay vào thời cuộc Ðông Dương trong hồi thế giới chiến tranh kỳ nhì, họ cưỡng bách đem Ngài về Sài gòn thì Ngài buộc lòng tá túc tại Hiến binh Nhựt để chờ đợi thời cơ thuận tiện ra gánh vác việc nước nhà. Khi đó Ngài có làm câu đối để diễn tả hoàn cảnh của mình:

“Trương Tiên qui Hớn phi thần Hớn,
Quan Ðế cư Tào bất đê Tào.”

Sở dĩ người Nhựt muốn thi ân với Ngài là vì họ muốn gây cảm tình với khối tín đồ khổng lồ của Ngài để sau nầy có thể lợi dụng. Nhưng đã là một người sáng suốt thì Ngài đâu có để cho bọn Nhựt lôi cuốn trong việc chuẩn bị của họ chống Ðồng minh.

Sau cuộc đảo chánh mùng 9 tháng 3 dương lịch 1945, Ngài giữ một thái độ hết sức dè dặt vì Ngài biết chắc chắn rằng người Nhựt thế nào cũng thất trận. Lúc đó, Ngài nói một lời tiên tri rất bình dị “Nhật Bổn ăn không hết con gà”. Mà thiệt vậy ! Vì năm Dậu (con gà) mà cũng là năm 1945 chưa hết, thì số phận nước Nhựt đã được định đoạt.

Năm 1945, “Vì lòng từ ái chứa chan, thương bách tính đến hồi tai họa“, nên Ngài đứng ra bảo vệ quốc gia và cứu nguy dân chúng. Ngài từng thành lập Phật Giáo Liên Hiệp Hội để đoàn kết đạo Phật, và Việt Nam Ðộc Lập Vận Ðộng Hội để vận động cuộc độc lập nước nhà.

Sau khi Nhựt Hoàng đầu hàng Ðồng minh không điều kiện, nước Việt Nam phải sống một thời kỳ bất ổn, Ðồng bào Việt Nam đương lo sợ cảnh dịch chủ tái nô, Ðức Huỳnh giáo Chủ liền hiệp với lãnh tụ các đảng phái và tôn giáo để thành lập Mặt trận Quốc gia Thống Nhứt hầu lên tiếng với ngoại bang. Mặt trận này lại sáp nhập vào Mặt trận Việt minh mà chính Ðức Huỳnh Giáo Chủ là vị đại diện đầu tiên ở Nam Việt.

Sau sự thất sách của Hồ chí Minh với Hiệp ước mùng 6 tháng ba năm 1946, tạo cơ hội thuận tiện cho thực dân trở lại, Ðức Huỳnh Giáo Chủ liên kết với các lãnh tụ quốc gia để thành lập Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp.

Mặt trận nầy được quần chúng nhiệt liệt hoan nghinh nên lại bị Việt Minh giở ngón độc tài giải tán. Họ liền thành lập Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam Hội để che đậy màu sắc đỏ của Đệ Tam Quốc Tế và để làm cho quần chúng quên cái dĩ vãng đẫm máu của các tướng Cộng sản hồi cuối năm 1945.

Năm 1946, vì muốn gây cuộc đoàn kết giữa các tầng lớp đồng bào, Ngài ưng thuận tham gia Ủy ban Hành chánh với trách vụ Ủy Viên Đặc Biệt.

Ngài liên kết các chiến sĩ quốc gia với khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Ðảng (21-9-46), với chủ trương công bằng xã hội và dân chủ hóa nước Việt Nam. Ngài chẳng những là một nhà cách mạng tôn giáo anh minh mà còn là một nhà lãnh tụ chánh trị đa tài. Ðọc Tuyên ngôn, Chương trình của Ðảng Dân Xã do Ngài đưa ra, dù cho đối phương hay những người khó tánh, đều phải công nhận Ngài có một bộ óc cải tiến vượt bực và nhận định sáng suốt phi thường.

Ðồng thời, Ngài cũng gởi người ra hải ngoại, đoàn kết với các nhà cách mạng quốc gia lưu vong để thành Mặt Trận Thống Nhứt Toàn quốc. Giải pháp quốc gia cũng do công trình của Ngài và các nhà cách mạng xuất dương mà thực hiện đến ngày nay.

Bởi đường lối của Ngài trái ngược với chủ trương Cộng sản và bởi Giáo thuyết của Ngài có thể gây đổ vỡ cho chủ nghĩa vô thần, Cộng sản đã tìm mọi cách làm hại Ngài, nhưng họ đều không làm gì Ngài được.

Ðầu năm 1947, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở miền Tây chống lại chủ trương độc đoán của các Ủy Ban Việt Minh vì họ áp dụng chính sách độc tài trong sự tổ chức và cai trị quần chúng. Muốn tránh cuộc cốt nhục tương tàn, Ðức Huỳnh Giáo Chủ về miền Tây Nam Việt với hảo ý trấn tĩnh lòng phẫn nộ của tín đồ P.G.H.H. và để giảng hòa hầu đoàn kết chống thực dân cho hiệu lực. Nhưng ngày 16-4-1947, Ủy Ban Hành Chánh Việt Minh âm mưu bắt Ngài tại Ðốc Vàng (vùng Ðồng Tháp).

Từ đó không ai rõ tin tức chi về Ðức Huỳnh Giáo Chủ, nhưng toàn thể tín đồ của Ngài không ai tin rằng Việt Cộng có thể làm hại Ngài được. Và muôn người như một, đang mong đợi một ngày về trong sứ mạng vinh quang nhất của Ngài.

Quyển sách Cách Tu Hiền sau đây là một trong nhiều tác phẩm của Ngài, đã được tái bản trên 300 lần với ấn lượng trên 800.000 quyển bằng tiếng Việt Nam. Nó ngắn gọn nhưng đủ, rõ những điều cần thiết trong nghi thức tu hành theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

                        Thánh địa Hòa Hảo, ngày 1-1-1966.
Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương Giáo Hội P.G.H.H.
(Nhiệm kỳ I, 1964 – 1966)
Kính đề

 


2. Vị-trí địa-dư [trở lại đầu trang]

Ðạo Phật Giáo Hòa Hảo được khai sáng tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Ðốc, Việt Nam, và từ đó phát triển bành trướng ở miền Tây Nam Việt, nhứt là tại 15 tỉnh sau đây: Châu Ðốc, An Giang, Sa Ðéc, Kiến Phong, Vĩnh Long, Phong Dinh, Chương Thiện, Kiên Giang, Ba Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên, Ðịnh Tường, Long An, Kiến Hòa, Kiến Tường, và thủ đô Sài Gòn-Gia Ðịnh.

Ðặc biệt đây là những tỉnh đồng bằng thuộc châu thổ sông Cửu Long, giáp nước Cao Miên, được mệnh danh là vựa lúa của Việt Nam. Nhờ đất đai phì nhiêu, vùng này có khả năng vĩ đại về nông nghiệp, và có một vai trò căn bản trong nền kinh tế nông nghiệp hiện nay của nước Việt Nam.

Vùng này, gọi chung là Hậu Giang hay miền Tây Nam Việt, với một diện tích có thể canh tác là 1.885.000 mẫu tây, đã sản xuất hàng năm gần 3.000.000 tấn lúa, chưa kể những sản phẩm hoa màu phụ và ngư nghiệp, chăn nuôi…Ðại đa số gạo xuất cảng của Việt Nam sang các nước cần mua mễ cốc đã xuất phát tại vùng này.


Cũng cần nói rõ là lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa gồm có diện tích tổng cộng là 17.326.000 mẫu, trong đó có khoảng 3.000.000 mẫu hiện đang canh tác nông nghiệp. Trên căn bản ấy, vùng Hậu Giang, nơi xuất phát và bành trướng ảnh hưởng của đạo Phật Giáo Hòa Hảo, ước lượng 1.885.000 mẫu tây canh tác nông ngiệp, được kể là 60 % tổng số diện tích khả canh toàn quốc.

 


3. Nguồn-gốc [trở lại đầu trang]

Ngoài sự kiện kinh tế trên đây, vùng này còn có một số dãy núi mà nhiều văn kiện lịch sử, xưa nay đã lưu truyền rằng tại đó chứa đựng nhiều điều huyền bí ly kỳ, nhứt là dãy Bảy núi Thất Sơn tại biên giới tỉnh Châu Ðốc giáp xứ Cao Miên.


Những điều huyền bí đó lưu truyền trong sách vở đến nay chưa ai cắt nghĩa được, ngoài sự kiện cụ thể là chính tại vùng Thất Sơn này đã phát xuất, từ năm 1849 một vị Phật Sống tức Ðức Phật Thầy Tây An, người sáng lập tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, và sau này vào năm 1939, cũng một vị Phật Sống khác là Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ, tiếp nối truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương mà khai sáng mối đạo Phật Giáo Hòa Hảo, cũng tại một địa điểm gần dãy Thất Sơn. Do đó, tuy là Phật Giáo Hòa Hảo mới ra đời từ 1939 đến nay, nhưng đã có nguồn gốc tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương từ 1849, tức là trên một trăm năm nay.

Ðức Phật Thầy Tây An đã nổi danh khắp Miền Nam Việt Nam, là một vị Phật Sống và một nhà ái quốc, cũng như sau này Ðức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo cũng được người Việt Nam tôn sùng là một vị Phật Sống xuống thế cứu đời, đồng thời cũng là một nhà cách mạng quốc gia chơn chánh.

(xin đọc: Tiểu sử và Giáo lý của Ðức Huỳnh Giáo Chủ).

 


4. Số tín-đồ PGHH [trở lại đầu trang]

Tổng số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo được ước lượng vào khoảng trên 2 triệu người (trước 1975), đại diện cho một tỉ số 38% trên dân số vùng Hậu Giang, hay 10% trên tổng số dân Việt Nam Cộng Hòa. Có những tỉnh như Châu Ðốc, An Giang, Kiến Phong, Sa Ðéc, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo lên đến 90 % dân số; ở các tỉnh khác, tỷ số này thay đổi từ 10 đến 60 %.


Nếu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tham gia các cuộc bầu cử ứng cử trong nhiệm vụ đại biểu nhân dân, thì họ sẽ chiếm được đại đa số ghế. Tỷ dụ trong cuộc bầu cử Hội đồng hàng tỉnh năm 1965, tại các tỉnh An Giang, Châu Ðốc, tất cả các đại biểu nhân dân đều là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo; và tại các tỉnh Kiến Phong, Vĩnh Long, Phong Dinh, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã chiếm 80 % số ghế.

Tỷ số này cũng đã được thể hiện trong cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến Việt Nam Cộng Hòa ngày 11-9-1965, và liên danh đắc cử nhiều phiếu nhứt trong toàn quốc là liên danh của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang.

 


5. Đặc-tính PGHH [trở lại đầu trang]

ÐẶC TÍNH THỨ NHẤT: nằm trong truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương đến Phật Giáo Hòa Hảo là một nền đạo Phật của nông dân.

Ðức Phật Thầy Tây An trước kia vừa truyền bá đạo Phật vừa khuyến khích nông nghiệp dưới hình thức Lập trại ruộng để vừa tu hành vừa cày cấy.

Ngày nay cũng thế, hầu hết tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là nông dân, và đó cũng là một lý do tại sao Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã lập đạo tại một vùng đất phì nhiêu nhứt Việt Nam.

Trên phương diện nhân sinh và xã hội, người ta cũng nhận định rằng bản chất thuần phác của người nông dân cho họ có căn bản thuận lợi để tu học theo đạo Phật.

ÐẶC TÍNH THỨ HAI: Phật Giáo Hòa Hảo cũng như Bửu Sơn Kỳ Hương đều chủ trương tu hành tại gia. Bởi vì các vị Giáo Chủ này đã nghĩ rằng đạo Phật không những chỉ truyền bá ở thiền môn mà còn phải phát triển rộng rãi đến mọi gia đình.

Do đó các tín đồ PGHH không bị bắt buộc phải cạo đầu vào chùa, lìa bỏ mọi việc ngoài thế gian, mà họ vẫn ở tại gia đình, sống như mọi người công dân khác với nếp sống bình dị trong nông nghiệp, đồng thời tu hành theo giáo lý của Ðức Thích Ca.

Tôn chỉ tu hành của Phật Giáo Hòa Hảo là Học Phật Tu Nhân, tức là noi theo giáo lý chơn truyền của Ðức Phật mà tu sửa con người, để vừa làm tròn bổn phận trong cõi đời đang sống, vừa dọn thân tâm cho trong sáng để được siêu thăng vào cõi Tịnh Ðộ Cực Lạc, giải thoát khỏi vòng luân hồi.

Ðể thi hành tôn chỉ Học Phật Tu Nhân, người tín đồ PGHH phải tích cực thực hiện Tứ Ân, tức 4 điều ân lớn, là:

1- Ân Tổ Tiên Cha Mẹ
2- Ân Ðất Nước
3- Ân Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng)

4- Ân Ðồng Bào Nhơn Loại (Xin xem sách về Giáo Lý PGHH) Cũng trong đường lối đó, người tín đồ PGHH đã tỏ ra tích cực tu hành đồng thời cũng tích cực hy sinh vì đất nước, khi quốc gia hữu sự.

ÐẶC TÍNH THỨ BA: là sự canh tân phương pháp hành đạo nhằm loại trừ mọi hình thức rườm rà mê tín dị đoan. Ðặc tính canh tân này có mục đích loại bỏ âm thinh sắc tướng để phát dương phần tinh túy của đạo Phật, đúng theo chánh pháp vô vi của Ðức Phật.

Ðạo Phật Giáo Hòa Hảo chủ trương canh tân như sau:

– Không cất chùa đúc tượng thêm ngoài những ngôi chùa đã sẵn có. Ai giàu lòng từ thiện thì nên phát tâm bố thí, cứu trợ kẻ nghèo khổ, hơn là cất chùa lớn, đúc tượng cao.

– Không chấp nhận thầy cúng, thầy lễ, thầy bói, thầy phù thủy, cũng không dâng cúng chè xôi thực phẩm cho Phật, vì Phật không dùng những của hối lộ đó.

– Không dùng cờ phướn, lầu kho, đốt giấy tiền vàng bạc, phí tổn vô ích…

– Không khóc lóc hay làm linh đình lúc tang ma, mà chỉ im lặng cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thoát.

– Không ép hôn, thách tiền cưới hay tiệc rượu linh đình, vì sẽ mang nợ, gây hại về sau.

Tóm lại, giáo pháp vô vi Phật Giáo Hòa Hảo nhằm canh tân phương pháp hành đạo để trở về với giáo lý chơn truyền của Ðức Phật, là tu hành tại Tâm, chẳng phải ở hình thức lễ nghi bề ngoài.

 


6. Sự thờ-phượng [trở lại đầu trang]

Trong chủ trương canh tân nói trên, sự thờ phượng trong nhà các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thật là giản dị.

Trên bàn thờ, không có tượng Phật, không có chuông mõ. Chỉ có một tấm Trần bằng vải màu dà, tượng trưng cho sự hòa hợp nhơn loại, và cho màu sắc nhà thiền. Ðó là bàn thờ Chư Phật. Dưới bàn thờ Phật là bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ đã khuất. Trước nhà có một bàn thờ lộ thiên (gọi là bàn Thông Thiên) để người tín đồ cảm thông với Trời Ðất, bốn phương trời, mười phương Phật. Chỉ dùng nước lạnh, bông hoa, và nhang để cúng Phật. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng đặng bán mùi uế trược.

Mỗi ngày người tín đồ PGHH làm lễ cúng Phật, ít nhứt hai lần, buổi sáng và buổi tối. Trong các ngày rằm, mồng một, ngày vía Chư Phật, họ đến chùa hay hội quán hành lễ, và nghe kinh giảng hay nghe thuyết pháp.

Lúc đãnh lễ họ không dùng mõ chuông, mà chỉ lâm râm tâm niệm. Khi nào mắc công việc thì đến giờ hành lễ họ quay mặt về hướng Tây mà cúng Phật, và khuyến khích nhau ngồi đâu, ở đâu cũng tụng niệm trong tâm.

Ngoài ra trong các Xã, Ấp có những độc giảng đường trang bị máy phóng thanh, để mỗi ngày trong những giờ nhất định, có những giảng viên đến đọc kinh giảng hay thuyết pháp cho người chung quanh cùng nghe.

Ðộc Giảng Ðường Phật Giáo Hòa Hảo là những ngôi chùa thâu hẹp chỉ để truyền đạo, chớ không phải để cư trú, nên nhỏ hơn chùa, bởi bản chất Phật Giáo Hòa Hảo là cư sĩ tại gia.

Hiện nay (trước 1975) chỗ nào có nhiều tín đồ PGHH đều có Ðộc Giảng Ðường, với nét kiến trúc đặc biệt của Phật Giáo Hòa Hảo. Theo kiểm kê năm 1965, Phật Giáo Hòa Hảo có 390 Ðộc Giảng Ðường. (Sau 1975, trên 300 độc giảng đường đã bị nhà cầm quyền Việt Nam đập bỏ)

 


7. Cờ Đạo và Huy-hiệu [trở lại đầu trang]

  • Cờ đạo hình chữ nhật màu dà, không có chữ hay hình tượng nào.
  • Huy hiệu PGHH hình tròn màu dà, bìa vàng trên có bông sen trắng và bốn chữ viết tắt PGHH.
                            


8. Thánh-địa Hòa-Hảo [trở lại đầu trang]

Thánh Ðịa Phật Giáo Hòa Hảo đặt tại làng Hòa Hảo tức là sanh quán của Ðức Huỳnh Giáo Chủ, và cũng là nơi khai sáng mối Ðạo. Tại đây không có sự xây cất đồ sộ, nhưng có một nếp sống đặc biệt an lạc, với không khí đạo giáo.


9. Hệ-thống tổ-chức [trở lại đầu trang]

Ðoàn thể PGHH được quản trị bởi một hệ thống Ban Trị Sự. Các Ban Trị Sự được thiết lập từ mỗi Ấp, Xã, Quận, Tỉnh. Trên hết là một Hội Ðồng Trị Sự Trung Ương. Mỗi Ấp chia làm nhiều chi hội.

Nhờ một tổ chức đi sâu vào tới hạ tầng cơ sở quần chúng, nên sự điều hành công việc được chặt chẽ, và các chỉ thị được thi hành suốt từ trung ương xuống đến các chi hội.
Nguyên tắc tổ chức và điều khiển là dân chủ tập trung, tức là:

a.    Bầu Cử
Các tín đồ bầu cử lựa chọn đại diện của mình vào các ban trị sự Ấp. Sau đó các Ấp bầu ban trị sự Xã; và các Ấp, Xã bầu ban trị sự Quận, Tỉnh. Rồi tất cả Ấp, Xã, Quận, Tỉnh bầu lên Hội Ðồng Trị Sự Trung Ương.

b.   Lãnh Ðạo
Nguyên tắc dân chủ tập trung làm cho các trị sự viên được bầu có tính chất đại diện bởi đã được lựa chọn theo tiêu chuẩn đạo đức, nên đương nhiên có uy tín để điều hành mọi việc. Do đó, giáo quyền, được tôn trọng theo nguyên tắc hạ cấp phục tòng thượng cấp. 

Các ban trị sự gồm từ 10 đến 15 người. Hội Ðồng Trị Sự Trung Ương gồm 23 người. Bên cạnh Hội Ðồng Trị Sự Trung Ương có một Hội Ðồng Bảo Pháp đặc trách vấn đề thi hành kỷ luật theo giới điều của Ðạo. Trên hết có vị lãnh đạo tinh thần tối cao là Ðức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ, người đã khai sáng mối Ðạo.

 


10. Sinh-hoạt [trở lại đầu trang]

Phật Giáo Hòa Hảo được khai sáng từ năm 1939. Lúc đó là thời kỳ Việt Nam lệ thuộc nước Pháp, nên người Pháp nhiều lần đàn áp và ngăn chận sự truyền đạo của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

Ðến khi quân đội Nhựt tiến chiếm Đông Dương, nhà cầm quyền Nhựt tỏ ý muốn giúp đỡ các đoàn thể quốc gia và tôn giáo để đòi lai chủ quyền trong tay người Pháp.
Do đó, vào năm 1942, Ðức Huỳnh Giáo Chủ dược quân đội Nhựt giải thoát khỏi tình trạng biệt xứ tại Bạc Liêu, và đưa Ngài về Saigon.

Ðức Huỳnh Giáo Chủ tuy cám ơn người Nhựt đã giải thoát mình, nhưng vẫn một mặt đòi hỏi chánh phủ Nhựt hãy thật sự giao trả chủ quyền Việt Nam cho dân tộc Việt Nam.
Năm 1945, đoàn thể PGHH tổ chức kháng chiến chống Pháp, và sau đó chống chế độ độc tài khủng bố do cộng sản Việt Minh chủ trương. Sau khi hiệp định Giơ-Neo ký kết, ông Ngô Ðình Diệm chấp chánh quyền hành tại Việt Nam, và dưới chế độ gia đình trị này, Phật Giáo Hòa Hảo cũng lại bị đàn áp, không được tự do sanh hoạt.
Chỉ sau khi chế độ này bị lật đổ ngày 1-11-1963, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo mới có thời cơ để tổ chức lại hàng ngũ tín đồ và hệ thống quản trị.

Cuộc tiến chiếm miền Nam năm 1975 bởi cộng sản Bắc Việt lại làm cho Phật Giáo Hòa Hảo phải thêm một lần nữa, chịu một thời kỳ bị đàn áp đen tối. Cũng như các tôn giáo khác ở Việt Nam, tín đồ PGHH đang phải trực diện với một chánh sách bài trừ tôn giáo. Cộng sản Bắc Việt đã tịch thâu các cơ sở của Ðạo, và giam cầm các cấp lãnh đạo trị sự Phật Giáo Hòa Hảo.

Trong sinh hoạt bình thường, trọng tâm công tác của Giáo Hội PGHH nhắm vào 2 mục tiêu chính. Thứ nhứt là phổ truyền giáo lý trong và ngoài nước. Thứ hai, thực hiện các công tác xã hội, văn hóa, cứu trợ và bố thí.

Công tác phổ truyền giáo lý được xem như món ăn tinh thần để bồi dưỡng và phát huy đạo dức trong xã hội và cải tạo con người, đồng thời các công tác xã hội văn hóa nhằm tác dụng nâng cao đời sống của chúng sanh, trong một xã hội đang tiến bộ theo trào lưu của thế kỷ 20 hiện nay.

Trong công thức Học Phật Tu Nhân, trên 2 triệu người tín đồ PGHH cư sĩ tại gia đồng thời với sự tu sửa thân tâm, lại còn đóng góp vào việc phát triển nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam. Hơn thế, khi quốc gia hữu sự, tín dồ PGHH sẵn sàng hiến dâng đời sống hy sinh để bảo vệ tổ quốc.

Mỗi năm đặc biệt trong ngày đại lễ Kỷ Niệm Khai Sáng Mối Ðạo vào 18 tháng 5 Âm lịch, các sự kiện trên đây được thể hiện trong tổ chức Đại lễ nơi Thánh địa Hòa Hảo và ở khắp vùng Hậu giang.

 


11. Trong cộng-đồng Phật-giáo thế-giới [trở lại đầu trang]

Hiện nay Phật Giáo Hòa Hảo là một trong 4 tôn giáo quan trọng nhứt ở Việt Nam. Với khối quần chúng trên hai triệu người, PGHH không những có tánh chất của một khối quần chúng tâm lý sắt son tin tưởng nơi giáo lý cao siêu của Ðức Huỳnh Giáo Chủ, mà còn thêm tổ chức thành hàng ngũ, hệ thống chặt chẽ, để chịu đựng mọi thử thách cam go mà tự tồn phát triển.

Trên bình diện quốc gia, Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo là một hội viên sáng lập của Hội Ðồng Tôn Giáo Việt Nam, một cơ quan đoàn kết các tôn giáo chánh yếu như: Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Ðài Giáo, Tin Lành… Đồng thời PGHH cũng tham gia các sinh hoạt quốc gia, đúng theo truyền thống của một tôn giáo dân tộc. Ngoài ra, giáo lý PGHH cũng đã được tiếp nhận với nhiều cảm tình bởi nhiều giới trí thức Ðông phương cũng như Tây phương.

Bởi vì, với một giáo thuyết hòa đồng tinh hoa Tam giáo, Phật Giáo Hòa Hảo đã phát dương giáo pháp chơn truyền của Đức Thích Ca Mâu Ni làm căn bản giáo lý, lại thêm các tư tưởng Nho giáo, Lão giáo, đã ăn sâu vào tập tục dân tộc Việt Nam, để kết thành một tư tưởng Ðạo học có đặc thái dân tộc Việt Nam.

Với giáo thuyết phong phú ấy, Phật Giáo Hòa Hảo là một tổ chức đang hướng dẫn một phần nhơn loại dưới ánh sáng của Ðức Phật, để đưa con người trong thế kỷ hiện tại đến những giá trị tinh thần mới, hầu cùng với các Phật tử thế giới và các Giáo Hội Phật Giáo khắp các quốc gia, xiễn dương đạo Phật, cải tạo xã hội, giải thoát con người.

 


12. HỆ THỐNG BAN TRỊ SỰ [trở lại đầu trang]

(Tài liệu báo Phương Ðông số 23, 5-73, tác giả Hinh Phương)


HỆ THỐNG BAN TRỊ SỰ

A.     Hội Ðồng Trị Sự Trung Ương.

B.     Các Ban Trị Sự Tỉnh: An Giang, Châu Ðốc, Sa Ðéc, Kiến Phong, Kiên Giang, Vĩnh Long, Phong Dinh, Bạc Liêu, Chương Thiện, An Xuyên, Ba Xuyên, Biên Hòa, Gia Ðịnh, Vĩnh Bình, Kiến Hòa, Kiến Tường, Lâm Ðồng, Tuyên Ðức, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Ðịnh, và liên tỉnh Long An / Ðịnh Tường.

C.     Các Ban Trị Sự Thị Xã: Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho, Rạch Giá, Vũng Tàu, Ðà Lạt.

D.     Các Ban Trị Sự Thuộc Trung Ương: Thánh Ðịa Hòa Hảo, Xã Thiện Từ.

E.     82 Ban Trị Sự Cấp Quận, 476 Ban Trị Sự Cấp Xã, 3.100 Ban Trị Sự Cấp Ấp.


CƠ SỞ TỰ VIỆN:

213 chùa chiền, tu viện.
468 độc giảng đường.
2.800 văn phòng.


NHÂN SỰ

36.500 trị sự viên các cấp.
2.679 tu sĩ và nhân viên tại các tự viện.
6.086 độc giảng viên.
10.000 nhân viên và khóa sinh ngành Phổ Thông Giáo Lý.